Dự báo lạm phát tăng 3,8 - 4,8%, các bộ cùng lên kế hoạch ứng phó

Mặc dù đã ghi nhận hạ nhiệt, nhưng Bộ Tài chính vẫn dự báo chỉ số tiêu dùng năm nay sẽ tăng trong khoảng 3,9-4,8%, tức có nguy cơ vượt mục tiêu Quốc hội giao là 4,5%...
lạm phát

Vừa qua, Ban Chỉ đạo điều hành giá họp đánh giá về công tác điều hành giá quý 1/2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp.

3 kịch bản lạm phát trong năm 2023

Số liệu công bố tại buổi họp cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã bắt đầu hạ nhiệt, giảm 0,1-0,2% so với tháng 2, nhưng vẫn tăng 3,4-3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân quý 1/2023, CPI ước tăng 4,2-4,3% so với cùng kỳ 2022.

Trong đó, lạm phát tăng trong quý 1/2023 chủ yếu do các nhóm hàng hóa dịch vụ chiếm trọng số chính trong rổ tính CPI có xu hướng đi lên. Cụ thể, ở nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất (+7,2%), làm CPI chung tăng 1,4 điểm phần trăm.

Nhóm có chỉ số giá tăng nhanh thứ hai trong quý là các mặt hàng thực phẩm (+4,5%) chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm chỉ số CPI tăng khoảng 1%. Bên cạnh đó, mức giá nhóm dịch vụ học phí giáo dục, giá điện sinh hoạt, giá gạo, văn hóa, giải trí và du lịch cũng đã góp phần làm tăng chỉ số CPI trong quý.

Những nguyên nhân giúp cho CPI giảm áp lực trong thời gian qua có thể kể đến giá xăng dầu trong nước giảm khoảng 11% theo giá thế giới, tác động làm CPI quý 1 giảm khoảng 0,4%; giá gas trong nước giảm khoảng 1,8% theo giá thế giới, tác động làm CPI giảm khoảng 0,03%; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm khoảng 0,3%, tác động làm CPI giảm khoảng 0,01%.

Lạm phát vẫn đang trong vùng "nguy hiểm"

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhìn nhận áp lực tăng giá trong những tháng tới trước những bất ổn tình hình quốc tế và nhiều hàng hóa thiết yếu trong nước phụ thuộc nhiều vào giá thế giới. Cơ quan này đưa ra ba kịch bản dự báo lạm phát năm nay với mức tăng 3,9-4,8% so với năm 2022.

Các kịch bản đưa ra dựa trên cơ sở tính toán, dự báo áp lực tăng và giảm giá mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá tính CPI như xăng dầu, giá gas, lương thực, thực phẩm (gạo, thịt heo), giá điện sinh hoạt, vật liệu xây dựng, giáo dục, y tế và nhà ở thuê.

Theo ước tính, giả định 9 tháng còn lại CPI tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, thì CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,52% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 4,5%.

Riêng trong tháng 4 và quý 2/2023, một số yếu tố có thể gây áp lực lên mặt bằng giá như thời tiết chuyển sang mùa nóng cùng với việc có 2 kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-1/5 nên quy luật hàng năm giá các dịch vụ đi lại, lưu trú, ăn uống có thể tăng. Đồng thời, giá một số nguyên vật liệu và điện, nước cũng sẽ có xu hướng tăng.

Lên kế hoạch chủ động ứng phó

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Hồng Minh, cho biết các công trình đầu tư xây dựng lớn đang được triển khai mạnh nên giá các loại vật liệu chưa được ổn định.

Nguyên nhân dẫn đến khó khăn trên là do nguồn cung không đủ cầu, mỗi địa phương có công bố giá khác nhau nên khó kiểm soát hơn. Cùng với đó, giá thép đầu năm có tăng nhẹ nhưng do cửa khẩu mở cửa nên vẫn ở mức thấp; xi măng có xu hướng giảm do cung lớn hơn cầu, xuất khẩu mặt hàng này cũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Do đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi để cập nhật tình hình và có những giải pháp phù hợp.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, cho biết giải pháp ưu tiên hiện tại vẫn phải duy trì việc tăng lãi suất để tiếp tục kiềm chế lạm phát.

Trong đó, cần lưu ý đến ba giải pháp quan trọng là (i) quản lý đầu vào giá cả không bị tác động lớn; (ii) cân đối dòng tiền, hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội; (iii) truyền thông hợp lý, nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, thời gian qua, giá vận tải hành khách và hàng hóa vẫn ổn định trước nhiều tác động là một trong những chỉ số đáng ghi nhận trong công tác điều hành giá.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, một trong những giải pháp hữu hiệu thời gian tới là tăng cường vai trò quản lý nhà nước ở các địa phương về vấn đề giá. Thời gian qua, các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình… đã vào cuộc kiểm tra vấn đề kê khai, niêm yết giá rất tốt.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu lên kế hoạch đối phó lạm phát

Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành lên kế hoạch đối phó lạm phát

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, dù Việt Nam không nằm trong nhóm nước có chỉ số CPI cao, nhưng tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên vật liệu và đầu ra của hàng hóa.

Ở trong nước, doanh nghiệp tuy đã phục hồi, nhưng vẫn còn khó khăn. Do đó trong công tác quản lý, điều hành giá thời gian tới, các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình cùng với Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì phải chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn, sẵn sàng các biện pháp để ứng phó hiệu quả với các bất ổn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính trên cơ sở 3 kịch bản điều hành giá thời gian tới, tiếp tục phối hợp với các bộ ngành rà soát, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các tham số đầu vào, đầu ra sao cho thật sát với tình hình thực tế để hoàn thiện các kịch bản điều hành giá trong thời gian tới. Tinh thần là sẵn sàng các biện pháp để ứng phó hiệu quả nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.

Cụ thể, đối với chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính bám sát các hỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là các giải pháp liên quan đến thuế, phí, thanh toán đầu tư công…

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu, giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề hoàn thiện Luật Giá, bảo đảm quản lý giá theo cơ chế thị trường, nhưng phải có sự quản lý của nhà nước, có phân công, phân cấp rõ ràng.

Đối với chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, giữ giá trị đồng tiền Việt Nam ở mức hợp lý, không để ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ ngành phải chú trọng tới công tác thông tin truyền thông nhằm thông tin kịp thời, minh bạch, đúng bản chất vấn đề, "không tô hồng, không bôi đen",… để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội đối với công tác điều hành giá, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các địa phương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quản lý giá, cùng với các bộ ngành liên quan kiểm soát giá cả theo đúng quy định của pháp luật về giá.

Tin liên quan