[E magazine] Dệt may tận dụng CPTPP để bứt phá tại thị trường châu Mỹ

Với Hiệp định CPTPP, Việt Nam lần đầu có FTA với một số thị trường châu Mỹ, mở ra cơ hội lớn cho hàng dệt may tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng này.
[E magazine] Dệt may tận dụng CPTPP để bứt phá tại thị trường châu Mỹ

Khác với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có chương riêng về dệt may. Ngoài việc áp dụng quy định chung như các hàng hóa khác, hàng dệt may có những quy định riêng mang tính đặc thù.

Hiệp định CPTPP xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay hoặc có lộ trình đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác. Đối với những nước mà Việt Nam chưa có FTA, việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác.

Điểm sáng thị trường Canada

Trước khi có CPTPP, ngoại trừ thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ thì thị trường lớn thứ hai của hàng dệt may Việt Nam tại khu vực châu Mỹ chính là Canada, thành viên đối tác trong CPTPP. Hiện Canada cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại thị trường châu Mỹ, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong ASEAN.

Với cam kết cắt giảm thuế quan của CPTPP, toàn bộ mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Canada được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm.

Tính theo kim ngạch, 42,9% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Canada có thuế 0% ngay từ năm đầu tiên, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chính như: veston, quần áo, áo khoác các loại… và 57,1% kim ngạch có thuế 0% từ năm thứ 4. Theo lộ trình cam kết, từ đầu năm 2023 gần như 100% mặt hàng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào Canada. Đây là một trong những động lực quan trọng để sản phẩm dệt may Việt Nam bứt phá chiếm lĩnh thị trường tiềm năng lớn thứ 2 tại Châu Mỹ.

Hiện nay, dệt may là sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch lớn thứ hai vào Canada. Năm 2021, theo số liệu sở tại, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Canada, tăng 40,8% trong giai đoạn 2018-2022 và là một trong số ít nước có tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao như vậy. Nhờ tận dụng tốt CPTTP, dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường có thể đạt tới 1,5 tỷ USD.

Thương vụ Việt Nam tại Canada

Đối với nhóm các sản phẩm may mặc dệt kim (mã HS 61), tính đến hết tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm mã HS 61 đã đạt 696 triệu USD, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng quy mô thị trường Canada đối với nhóm hàng này khoảng từ 5 - 6 tỷ USD/năm.

Sau đại dịch, với việc mở cửa hoàn toàn lại đời sống xã hội và các hoạt động văn hoá giải trí, du lịch, nhu cầu nhập khẩu của Canada đối với nhóm mặt hàng này tăng mạnh so với năm 2021, đạt 31%. Việt Nam là nước đứng thứ ba về xuất khẩu mã HS 61 vào Canada, tuy nhiên, Trung Quốc với thị phần gần 30% vẫn đang bỏ xa chúng ta với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 1,3 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021.

Hiện nay, đứng sau Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam là nước đứng thứ ba về giá trị xuất khẩu vào địa bàn; đây cũng là vị trí Việt Nam mới giành được từ 2 năm nay sau CPTPP khỏi tay Bangladesh. Tuy nhiên, với nhu cầu đa dạng hoá nguồn cung của Canada, các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka đang nổi lên như là các đối thủ cạnh tranh rất mạnh nhờ năng lực hoàn thiện các mặt hàng có độ khó cao.

Các chủng loại hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Canada 8 tháng đầu năm 2022

chung-loai-hang-det-may-viet-nam-xuat-khau-sang-canada-8-thang-au-nam-2022.png

Với nhóm các sản phẩm may mặc không dệt kim (mã HS 62), tính đến hết tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm mã HS 62 đã đạt 583 triệu USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng quy mô thị trường Canada đối với nhóm hàng này khoảng từ 4 - 5 tỷ USD/năm. Cũng giống mã HS 61, thị trường Canada có nhu cầu tăng mạnh đối với sản phẩm thuộc mã HS 62 kể từ khi Chính phủ Canada dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách. Việt Nam từ nhiều năm nay giữ vững vị trí thứ ba sau Trung Quốc và Bangladesh ở nhóm hàng này.

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Canada tăng nhanh trong năm 2022 chủ yếu nhờ xuất khẩu hầu hết các chủng loại như quần, áo jacket, áo thun, quần áo trẻ em, quần short, váy, đồ lót… sang thị trường này đều tăng trưởng ở mức rất cao.

Nếu nhu cầu của thị trường tiếp tục duy trì như hiện nay (tăng 32% nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021), dự kiến năm nay, nhu cầu nhóm hàng này của thị trường Canada không những phục hồi so với trước đại dịch, mà còn vượt mức nhập khẩu cao nhất lịch sử nhập khẩu Canada đạt được năm 2019 là 4,7 tỷ USD.

det-may---cum-2.jpg
vietnam-garment-1.jpg

Tại những thị trường CPTPP thuộc khu vực châu Mỹ khác, ngoại trừ Chile đã có FTA song phương, các thị trường khác mà Việt Nam chưa có FTA trước CPTPP như Peru và Mexico, thuế nhập khẩu của hàng dệt may cũng được cắt giảm sâu và sẽ xóa bỏ hoàn toàn từ năm thứ 16 thực thi CPTPP. Tuy nhiên việc tận dụng lợi thế, xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường này không tăng trưởng mạnh như sang thị trường Canada. Trong đó, riêng Mexico cũng là một nguồn cung lớn nhiều mặt hàng dệt may cho Hoa Kỳ và các thị trường khác, có sự cạnh tranh nhất định với hàng dệt may Việt Nam.

Bên cạnh việc giảm thuế sâu, CPTPP cũng áp dụng cơ chế tự vệ đặc biệt đối với hàng dệt may để đối phó với thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước trong trường hợp có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu (khác với cơ chế tự vệ chung của Hiệp định).

“Nút thắt” quy tắc xuất xứ nguyên liệu

Dù có động lực mạnh mẽ từ cắt giảm thuế quan sâu và thực tế cũng tăng trưởng khả quan trong thời gian gần 4 năm qua (kể từ khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/01/2019) nhưng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào các thị trường châu Mỹ là thành viên CPTPP vẫn còn khá khiêm tốn.

Một trong những khó khăn đang cản bước sản phẩm dệt may đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ là vấn đề về nguồn nguyên phụ liệu chưa đảm bảo quy tắc xuất xứ của Hiệp định CPTPP.

Quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may theo CPTPP được áp dụng là “từ sợi trở đi” (yarn-forward) hay được gọi quy tắc “3 công đoạn”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP. So với các FTA trước đây mà Việt Nam đã ký kết, đây là quy tắc yêu cầu ở mức cao và là thách thức không nhỏ vì ngành dệt may Việt Nam hiện nay vẫn đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP.

Việc giải quyết nguồn nguyên liệu là bài toán không hề đơn giản với ngành dệt may Việt Nam. CPTPP được xem là một trong những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, đây là ngành sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu sử dụng công nghệ lạc hậu. Do đó, các cơ quan quản lý, các địa phương sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích về nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và tác động tới môi trường trước khi cấp phép đầu tư.

det-may-1.jpg
det-may-xuat-khau-cptpp.jpg
det-may.jpg
det-may-5.jpg
det---cum-5.jpg

Giải quyết “căn cơ” chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu

Mặc dù quy tắc xuất xứ hàng hóa với hàng dệt may theo CPTPP khá nghiêm ngặt nhưng các nước thành viên cũng thống nhất một số trường hợp có quy tắc xuất xứ mang tính linh hoạt hơn như:

* 3 nhóm hàng may mặc được áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn, cắt và may, gồm vali, túi xách, áo ngực phụ nữ, quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp;

* Danh mục nguồn cung thiếu hụt gồm 194 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực CPTPP, trong đó 186 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong vòng 5 năm.

Đây là những lợi thế mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh tận dụng để gia tăng xuất khẩu một số sản phẩm dệt may sang thị trường Châu Mỹ.

Nếu tích cực tìm hiểu CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng tỷ lệ tận ưu đãi thông qua xuất xứ hàng hóa. Để tận dụng tối đa ưu đãi, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định đem lại để biết được rằng cơ hội ở đâu, thị trường nào và nhóm hàng nào.

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Tuy nhiên, những chủng loại hàng dệt may của Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ lực sang thị trường các nước CPTPP đều thuộc những nhóm hàng phải đáp ứng quy tắc từ sợi trở đi, do đó muốn đáp ứng yêu cầu tương đối phức tạp và khác biệt so với các FTA khác để được hưởng ưu đãi thuế quan, đòi hỏi doanh nghiệp phải có thời gian để tìm hiểu, điều chỉnh sản xuất.

Để giải quyết được căn cơ “nút thắt” này, các doanh nghiệp Việt Nam cần thiết lập được chuỗi cung ứng, đảm bảo việc xuất xứ nguyên liệu từ sợi sản xuất trong nước hoặc trong nội khối CPTPP; tìm kiếm, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thể mở rộng, đẩy mạnh công đoạn sợi, dệt, nhuộm để chúng ta có thể có được một xuất xứ hoàn chỉnh, được hưởng ưu đãi thuế quan một cách trọn vẹn.

Việc được giảm thuế sâu theo Hiệp định CPTPP giúp sản phẩm dệt may Việt Nam củng cố lợi thế cạnh tranh về giá khi xuất khẩu sang các nước CPTPP nói chung, các nước thành viên tại châu Mỹ nói riêng. Đó cũng là động lực để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Từ đó, thiết lập sự liên kết trong chuỗi dệt – may hiệu quả hơn, tạo nền tảng cho ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững.

Trong công tác xúc tiến thị trường, các doanh nghiệp có thể tận dụng kênh khai thác khác như thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, phối kết hợp với các tham tán tại thương mại Việt Nam các thị trường châu Mỹ để mời gọi các doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực dệt may. Việc xúc tiến thương mại, làm việc trực tiếp với khách hàng cùng đầu tư, sản xuất, chuyển giao công nghệ hay hướng tới sản xuất các mặt hàng tận dụng các quy định về ngoại lệ với quy tắc xuất xứ trong CPTPP sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng các lợi ích về thuế.

Phải chủ động nguồn nguyên liệu mới tận dụng hiệu quả ưu đãi của Hiệp định

Chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) về những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp dệt may khi tận dụng xuất xứ ưu đãi của Hiệp định CPTPP.

06-ong-nguyen-xuan-duong.jpg
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco)

PV: Là lãnh đạo một trong những doanh nghiệp lớn của ngành dệt may trong nước, ông có thể chia sẻ về thực tế tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định CPTPP của May Hưng Yên trong thời gian qua để có thể gia tăng xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên và theo ông tại sao chúng ta chưa thể đáp ứng được quy tắc xuất xứ của CPTPP đối với dệt may?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Đối với ngành dệt may của chúng tôi trong ba năm qua sau khi thực hiện CPTPP thì tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan rất thấp. Lý do bởi vì trong số mà 7 nước đã ký CPTPP thì chúng ta hầu như đã có hiệp định song phương hoặc đa phương, ví dụ như Nhật Bản, New Zealand ta đã có song phương cho nên gần như đã tận dụng những ưu đãi từ trước. Còn lại mấy nước châu Mỹ chúng ta ký thêm, ví dụ như Canada, Mexico, Peru thì Mexico cũng là một trong những cường quốc dệt may, xuất khẩu vào Mỹ tương đối nhiều, kể cả Bắc Mỹ, Canada.

Có thể nói rằng với thị trường đó chúng ta chỉ có một số mã xơ sợi, kể cả xuất khẩu vào Trung Quốc, sang Châu Mỹ đang có năng lực tương đối tốt. Riêng đối với ngành may vấp phải vấn đề yarn-forward, tức “từ sợi trở đi” nên hiện tại ngành dệt Việt Nam chưa thể cung cấp được những nguyên liệu đầy đủ theo xuất xứ để chúng ta được hưởng ưu đãi sang khu vực thị trường này. Bởi vì hầu hết chúng ta đều nhập nguyên vật liệu tới 43 - 45% từ Trung Quốc, nguồn cung bên ngoài CPTPP.

Còn về vấn đề có vướng gì không? Làm thế nào để tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi CPTPP lên tôi có thể nói rằng tương đối nhiều. Bởi vì để đầu tư, làm được ngành vải thì cần vốn đầu tư rất lớn, bên cạnh đó chúng ta không những thiếu về kỹ thuật mà còn thiếu thị trường, làm ra để bán cho ai. Một số doanh nghiệp dệt may trong nước đã làm nhưng thực ra mới sử dụng công suất được 30%, không tiêu thụ được.

Nếu muốn tăng dần tỷ lệ nội địa hóa lên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thu hút các tập đoàn nước ngoài đầu tư bắt tay cùng tận dụng lợi thế hiệp định FTA, lợi thế cơ sở hạ tầng… và những ưu đãi về chính sách, làm thế nào để có thể kéo các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cùng làm với chúng ta để có thể tận dụng được CPTPP hoặc là các FTA của các thị trường khác.

PV: Ông vừa chia sẻ nhiều về những khó khăn không chỉ May Hưng Yên mà cộng đồng doanh nghiệp dệt may đang gặp phải trong quá trình đáp ứng những tiêu chuẩn về quy tắc “từ sợi trở đi” trong CPTPP.

Bên cạnh những khó khăn như vậy, doanh nghiệp có những thuận lợi nào và ngoài ra còn những khó khăn nào khác mà doanh nghiệp đang gặp phải cần có sự hỗ trợ, đồng hành hoặc những kiến nghị, đề xuất như thế nào để cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính quyền các địa phương có thể hỗ trợ doanh nghiệp được tốt hơn, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Về thuận lợi, chúng ta có thuận lợi là khách hàng đánh giá rất cao về vấn đề năng lực, tay nghề của người lao động Việt Nam, hàng Việt Nam đẹp, chất lượng tốt, chỉ có điều giá cả cần cạnh tranh hơn.

Vấn đề muốn cạnh tranh được, không có con đường nào khác là doanh nghiệp phải đầu tư, đổi mới đưa được những công nghệ, quản trị công nghệ số vào doanh nghiệp để tăng năng suất lên.

Vấn đề thứ hai, đó là vấn đề làm thế nào đó để kết hợp được với các doanh nghiệp nước ngoài. Bởi vì hiện nay hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mới ở công đoạn rất thấp, một số làm khẩu sợi để xuất đi, một số làm ngành may nhưng hầu hết thị trường của người ta cả, rất ít doanh nghiệp chủ động được thị trường. Chẳng hạn, Dệt Phong Phú có thị trường ngách riêng nhưng lượng xuất không nhiều; trong khi đó để có được kết quả xuất khẩu 43 tỷ hàng năm như hiện nay chúng ta cần phải có thị trường mà muốn có thị trường không có con đường nào khác phải kết nối.

Con đường đi của chúng tôi là con đường đứng trên vai của những người khổng lồ; chúng ta làm tốt ở công đoạn chúng ta làm tốt, làm giỏi chỗ nào cạnh tranh ở chỗ đó.

Tuy nhiên, để giúp cho các doanh nghiệp có thể làm được chúng tôi kiến nghị Nhà nước nên có giải pháp từng bước kéo được nhóm doanh nghiệp nước ngoài sản xuất vải vào Việt Nam. Ở đây ngoài vấn đề công nghệ, tận dụng thuế thì chúng ta nhìn thấy những vấn đề về cạnh tranh, về địa chính trị…, khi chúng ta chỉ làm một khâu, không làm được từ đầu đến cuối.

Vừa rồi Tập đoàn Dệt may chúng tôi cũng đã có những bước đi, ví dụ như giao cho một số doanh nghiệp làm vải dệt kim từ sợi dệt, nhuộm hoàn tất rồi xuất khẩu, phần này đã làm từng bước, nhưng dệt kim thì dễ hơn còn làm dệt thoi cần có sự hỗ trợ thêm của Nhà nước.

Như tôi đã nói, ban đầu vốn của các doanh nghiệp Việt Nam thấp nhỏ, bây giờ kéo người ta vào làm cùng, phải cho họ nhìn thấy được hiệu quả, lợi ích của họ. Có thể không có lợi ích ngay nhưng trong vòng 3-4 năm nữa khi mà CPTPP hoặc một số các FTA khác đến thời điểm tất cả thuế quan theo lộ trình đều về bằng 0% thì hiệu quả của chúng ta đạt được sẽ rất lớn.

Hiện nay chúng tôi đang đối mặt vấn đề khách hàng vào gia công, yêu cầu hạ giá tiền công đến 30% nhưng doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận làm; thậm chí hàng loạt các doanh nghiệp dệt may, da giày ở các địa phương không có việc bởi vì giá không chấp nhận được. Nhưng đối với Tổng Công ty May Hưng Yên xác định phải giữ đời sống cho người lao động ổn định. Chúng tôi phải lấy tích lũy từ những năm cũ để đảm bảo đời sống người lao động, và chấp nhận giảm giá để giữ chân khách hàng.

Chúng tôi mong muốn làm sao 5-10 năm tới phải xác định bỏ vốn ra để kéo năng lực làm vải của nước ngoài vào kết hợp với chúng ta, để một lúc nào đó chúng ta có thể ít nhất phải tự chủ được đến 70 - 80% nguyên phụ liệu thì lúc đó chúng ta mới có thể nói đến vấn đề chiếm được, giữ được thị phần và tận dụng được lợi thế mà các hiệp định thương mại đem lại.

Bài và trình bày: Hoàng Phương

Ảnh bìa: Duy Kiên

Tin liên quan