CEO Intel Pat Gelsinger tin rằng, các lệnh trừng phạt đang áp đặt đối với lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc sẽ kìm chân nước này trong dài hạn.
Ông Pat Gelsinger cho rằng, mặc dù đang cố gắng phát triển năng lực bán dẫn và chế tạo những công cụ cần thiết trong nước, họ sẽ luôn đi sau cả ngành 1 thập kỷ.
“Các chính sách kiểm soát xuất khẩu gần đây đã đặt ra rào cản trong phạm vi 10nm xuống 7nm cho ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc”, CEO Intel phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
Theo CNBC, tập đoàn SMIC của Trung Quốc hiện đã làm chủ quy trình đóng gói 7 nm. Như vậy là chậm so với TSMC và Samsung hơn 5 năm.
Một công ty khác là HLMC đã thử nghiệm chip trên quy trình FinFET 14nm từ năm 2020, chậm hơn TSMC khoảng 10 năm.
Cả SMIC và HLMC đang dùng máy móc chế tạo nhập khẩu từ Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ. Nguồn nguyên liệu thô tinh khiết cung cấp từ Nhật Bản. Nếu bị cắt nguồn cung, các công ty Trung Quốc phải tự phát triển thiết bị sản xuất và những hóa chất, quy trình dùng cho dây chuyền chế tạo chip bán dẫn tiên tiến.
"Trung Quốc không ngừng đổi mới sáng tạo, nhưng đây là ngành công nghệ có sự kết nối rất cao và rộng khắp. Dây chuyền chế tạo chip cần gương của Zeiss, thiết bị quang khắc từ ASML, hóa chất Nhật Bản và bản mạch gốc do Intel chế tạo", CEO Intel cho hay.
Vì thế, các yếu tố này gộp lại sẽ tạo thành khoảng cách công nghệ lên tới 10 năm và những lệnh hạn chế mới sẽ còn duy trì khoảng cách này trong tương lai.
Công nghệ xử lý chất bán dẫn hiện đại đòi hỏi nỗ lực phối hợp của toàn ngành công nghiệp toàn cầu, nhiều nghiên cứu cơ bản và hàng trăm tỷ USD chi cho R&D. Việc Trung Quốc có thể một mình giải quyết tất cả những vấn đề này hay không vẫn còn là vấn đề tranh luận.
Hồi đầu năm nay, Chính phủ Hà Lan đã thu hồi một phần giấy phép xuất khẩu máy quang khắc DUV của công ty ASML sang Trung Quốc.
Theo công ty nghiên cứu xu hướng trong ngành công nghệ mới TrendForce, vào đầu năm 2024, Trung Quốc đã sở hữu hơn 50 nhà máy sản xuất vi mạch đang hoạt động.
Trung Quốc có nhiều ưu thế vượt trội so với các quốc gia khác trong việc phát triển ngành sản xuất bán dẫn nội địa. Trước hết phải kể tới những lợi thế rõ ràng về công nghệ và tài chính, kể cả khả năng tự chủ hoàn toàn với nguồn cung nước ngoài.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn vấp phải vô vàn khó khăn nếu muốn làm chủ được quy trình sản xuất hàng loạt chip tiêu chuẩn 3nm trở lên.
Danh Uyên