Tencent mất hơn 43 tỷ USD vốn hoá sau khi Trung Quốc đề xuất các quy tắc chơi game mới

Bắc Kinh mới đây đã đưa ra dự thảo hướng dẫn nhằm hạn chế việc chơi và chi tiêu quá mức vào trò chơi trực tuyến. Động thái này khiến cổ phiếu của hàng loạt các công ty công nghệ lao dốc...

Tencent đã mất khoảng 43,5 tỷ USD vốn hóa vào 22/12 sau khi Trung Quốc gây ngạc nhiên cho thị trường tài chính với một bộ quy tắc mới nhằm hạn chế việc chơi và chi tiêu quá mức vào game trực tuyến.

Dự thảo hướng dẫn từ Cục Quản lý Xuất bản và Báo chí Quốc gia Trung Quốc đã gián tiếp “đánh chìm” cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Tencent, NetEase và Bilibili – ba trong số những công ty lớn nhất tại thị trường trò chơi trực tuyến lớn nhất thế giới.

Tencent có trụ sở tại Thâm Quyến, công ty sở hữu WeChat và thu về hơn 1/5 doanh thu quý 3 từ trò chơi trực tuyến, đã chứng kiến cổ phiếu của mình giảm 12,4%, đóng cửa ở mức 274 HKD, thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2022.

NetEase, với 80% doanh thu trong quý 3 đến từ trò chơi trực tuyến, cũng lao dốc 24,6%, đóng cửa ở mức 122 HKD. Khoản lỗ hôm 22/12 đã xóa sạch khoảng 115,1 tỷ HKD (14,7 tỷ USD) vốn hoá của NetEase.

Trong khi đó Bilibili, một trang mạng xã hội kiếm 17,1% tổng doanh thu ròng quý 3 từ game trực tuyến, cũng đã chứng kiến cổ phiếu giảm 9,7% và đóng cửa ở mức 80,30 HKD thấp nhất kể từ tháng 11/2022 – khiến vốn hoá của công ty mất 2,4 tỷ HKD (307 triệu USD).

Chỉ số Hang Seng đóng cửa giảm 1,7% vào 22/12 trước kỳ nghỉ lễ kéo dài bốn ngày cuối tuần, trong khi Chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc (China Enterprises Index) của các tên tuổi blue-chip đại lục lớn nhất ở nước ngoài kết thúc giảm 2,3%.

“Tôi tin rằng chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về những quy định mới này trong tuần tới. Nhưng các nhà đầu tư không muốn chờ đợi “bụi” lắng xuống. Sự phối hợp tốt hơn giữa ngành và cơ quan quản lý sẽ mang lại lợi ích cho người dùng trong tương lai”, Brian Tycangco, nhà phân tích tại Stansberry Research nói với CNBC.

Hướng dẫn trong dự thảo mới yêu cầu các công ty sở hữu trò chơi trực tuyến phải tránh cung cấp hoặc không cho phép những giao dịch có giá trị cao/đắt tiền trong các thực thể ảo. Cơ quan Quản lý Xuất bản và Báo chí Quốc gia Trung Quốc cho biết, phần thưởng đăng nhập hàng ngày cũng sẽ bị cấm, trong khi giới hạn nạp tiền phải được đi kèm với cảnh báo cho những người dùng có hành vi tiêu dùng không hợp lý.

Vigo Zhang, phó chủ tịch của Tencent Games, nói với CNBC: “Những biện pháp mới này về cơ bản không làm thay đổi mô hình và hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến. Chúng làm rõ hơn sự hỗ trợ của chính phủ đối với ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến, cung cấp hướng dẫn mang tính hướng dẫn khuyến khích đổi mới các trò chơi chất lượng cao”.

Những quy định dự thảo mới nhất này được đưa ra vào thời điểm mà ngành công nghệ rộng lớn hơn của Trung Quốc vừa phục hồi trở lại sau một cuộc trấn áp quy mô lớn vào cuối năm 2020.

Chỉ hơn một năm trước, Tencent mới nhận được chấp thuận cho 5 trong số 45 giấy phép trò chơi nước ngoài từ Cục Quản lý Xuất bản và Báo chí Quốc gia Trung Quốc trong đợt phê duyệt đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu cải tổ lĩnh vực trò chơi điện tử vào tháng 8/2021.

Tại các cuộc họp lập pháp thường niên của đất nước vào năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đổ lỗi cho việc nghiện chơi game trực tuyến là nguyên nhân khiến tình trạng cận thị cũng như bất ổn trong sức khỏe tinh thần của giới trẻ ngày càng gia tăng.

Cuối năm đó, Cơ quan Quản lý Xuất bản và Báo chí Quốc gia Trung Quốc đề xuất rằng trẻ em dưới 18 tuổi không được phép chơi trò chơi trực tuyến quá ba giờ một tuần, giới hạn thời gian chơi hợp pháp vào khoảng 8 giờ và 9 giờ tối vào thứ Sáu, cuối tuần và ngày lễ.

Tiếp sau đó vào tháng 8 năm nay, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cũng đưa ra soạn thảo quy định mới, giới hạn thời gian sử dụng điện thoại thông minh của trẻ dưới 18 tuổi ở mức tối đa hai giờ mỗi ngày.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.