Tiếp cận vốn là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2023 (PCI) cho biết họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Đây cũng là thách thức phổ biến nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
Việc tiếp cận vốn không đơn thuần là một bài toán tài chính mà còn phản ánh năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp được quản trị tốt nhất không chỉ tìm kiếm nguồn vốn mà còn biết cách tận dụng tối đa các khoản đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn.
Minh bạch tạo niềm tin
Trong khủng hoảng do đại dịch Covid-19, công ty hỗ trợ thương mại điện tử OnPoint đã chứng tỏ sức hút mạnh mẽ khi thành công trong hai lần gọi vốn đầu tư. Năm 2020, công ty này nhận 8 triệu USD từ SeaTown Private Capital Master Fund (thuộc Temasek).
“Ngày ký nhận tiền vào tháng 4/2020, khi TP.HCM đang đóng băng vì dịch, nhà đầu tư vẫn quyết định rót vốn mà không ngần ngại”, ông Trần Vũ Quang, CEO OnPoint chia sẻ tại tọa đàm “Tiếp cận vốn từ nhà đầu tư tổ chức và quỹ đầu tư” do Deloitte tổ chức.
Ngay cả khi cổ phiếu của Sea (công ty mẹ của Shopee) giảm sâu gần 90%, OnPoint vẫn thu hút được 50 triệu USD từ các nhà đầu tư trong vòng B nhờ chiến lược kinh doanh vững chắc và tiềm năng phát triển tại thị trường Đông Nam Á. Điều này khẳng định vị thế và khả năng chống chịu trước thách thức của công ty.
Theo ông Quang, may mắn là quan trọng nhưng điều cốt lõi tạo niềm tin cho nhà đầu tư nằm ở việc nhà sáng lập hiểu rõ tình hình công ty và tin tưởng vào tương lai của nó.
“Dù có lúc công ty chưa đủ tốt, nhưng phải tin mình sẽ làm tốt hơn, sẽ tồn tại và phát triển, điều này truyền cảm hứng cho nhà đầu tư. Vòng gọi vốn nào họ cũng nhìn vào nhà sáng lập, nếu nhà sáng lập còn, công ty còn”, ông Quang chia sẻ, khi OnPoint vừa được Deloitte Việt Nam vinh danh là một trong bốn doanh nghiệp được quản trị tốt nhất 2024.
Ông Quang cho rằng, khi biết rõ lý do cần gọi vốn, nhà sáng lập sẽ có động lực tìm được nguồn vốn và đối tác phù hợp, cũng như cách thức tiếp cận hiệu quả.
Đối với ông Quang, mỗi lần gặp gỡ nhà đầu tư là một cơ hội quý báu để học hỏi, hiểu rõ hơn về những mối quan tâm và góc nhìn của họ. Dù có thành công trong việc gọi vốn hay không, công ty vẫn tiếp tục phát triển. Mỗi lần chưa đạt được mục tiêu, ông vẫn nhận được những phản hồi và góp ý từ những chuyên gia giàu kinh nghiệm, giúp công ty ngày càng hoàn thiện hơn.
Là người tham gia chấm điểm trong chương trình "Doanh nghiệp được quản trị tốt nhất 2024", Chủ tịch HĐQT FiinGroup Nguyễn Quang Thuân cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Để làm được điều đó, ông Thuân luôn đặt yếu tố minh bạch lên hàng đầu kể từ những ngày đầu thành lập công ty với việc mời Big4 kiểm toán hàng năm. Nhờ đó, khi nhà đầu tư đến, ông Thuân đều có thể cho họ xem báo cáo tài chính rất minh bạch của công ty.
Tháng 9/2024, FiinGroup đã nhận đầu tư cổ phần và hợp tác chiến lược với Tập đoàn NIKKEI và Tập đoàn QUICK (Nhật Bản). Hiện nay, cả hai nhà đầu tư này đều đang sở hữu hơn 17,5% cổ phần tại FiinGroup.
Theo ông Thuân, nếu giữ được sự minh bạch thì người sáng lập vẫn nhận được sự đồng cảm từ các nhà đầu tư kể cả khi tình huống xấu nhất xảy ra.
“Hãy chủ động minh bạch cả về kế hoạch có bao gồm rủi ro. Hãy minh bạch với nhau trong HĐQT, kể cả cổ đông để thất bại thì vẫn có cơ hội làm lại, nếu không sẽ mất hết cả danh tiếng và uy tín”, ông Thuân nói và cho rằng, minh bạch là có trách nhiệm và tôn trọng đối tác.
Có chung quan điểm với nhà sáng lập Onpoint, Chủ tịch FiinGroup cho biết, bản thân ông luôn coi doanh nghiệp như con đẻ để dù hàng ngày bận rộn với hàng trăm thứ việc thì cũng phải “đếm cua trong lỗ”, tính toán giá trị của công ty.
“Tôi không trả cổ tức mà dành tất cả lợi nhuận cho R&D nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững. Một đồng bỏ vào tạo 10 đồng doanh thu mới giúp tăng giá trị doanh nghiệp”, ông Thuân nói.
Đúng người, đúng thời điểm
Thành lập năm 1990 và có bước đi vững chắc, đến năm 2014, Công ty Thực phẩm và bánh kẹo Phạm Nguyên đứng trước nhu cầu phát triển mạnh mẽ và chuẩn bị gọi vốn từ bên ngoài.
CEO Bánh kẹo Phạm Nguyên Christian Leitzinger nhớ lại thời điểm đó với bối cảnh đầu tư hấp dẫn, khi công ty thường xuyên nhận được nhiều lời mời gọi đầu tư với mức định giá tốt.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là về mặt pháp lý và kiên định theo đuổi chiến lược quản trị, thế hệ lãnh đạo F2 của Bánh kẹo Phạm Nguyên đã chọn được nhà đầu tư phù hợp để cùng xây dựng doanh nghiệp kiên cường.
Năm 2016, Bánh kẹo Phạm Nguyên đã nhận khoản đầu tư 9,3 triệu USD từ quỹ đầu tư Mizuho ASEAN Investment LP của Nhật Bản.
“Họ rất chuyên nghiệp và giúp công ty tăng trưởng theo cách mà chúng tôi không thể tự làm được. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn củng cố thêm niềm tin của các cổ đông”, ông Chris cho biết.
Nhờ chọn được nhà đầu tư có cùng giá trị, thế hệ kế nghiệp của Bánh kẹo Phạm Nguyên đã cân bằng được việc bảo vệ di sản của thế hệ sáng lập và đưa vào sự đổi mới sáng tạo, tiếp tục xây dựng di sản cho thế hệ thứ ba. Đồng thời, họ đảm bảo việc sử dụng vốn mang lại giá trị cho cổ đông.
“Họ phải là những người mà bạn muốn nói chuyện và hợp tác chặt chẽ, không chỉ đơn thuần là nhận tiền. Họ mang lại giá trị cho bạn và bạn cũng muốn làm điều tương tự. Sự hợp tác thực sự có giá trị mới tạo nên sự phát triển bền vững”, con rể nhà sáng lập Bánh kẹo Phạm Nguyên nói.
Việc sử dụng vốn nào, vào thời điểm nào là vô cùng quan trọng. Theo Chủ tịch FiinGroup, luôn có một nhóm nhà đầu tư quan tâm đến các ngành cụ thể trong một giai đoạn phát triển nhất định.
Doanh nghiệp cần chủ động giao lưu, tiếp cận, và sàng lọc kỹ lưỡng, tránh tình trạng dành cả tháng để gặp gỡ nhà đầu tư nhiều lần rất tốn thời gian mà không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ông Thuân cũng cho rằng, mỗi giai đoạn doanh nghiệp cần một kênh tiếp cận vốn phù hợp. Chẳng hạn trong giai đoạn đầu, FiinGroup chọn nhận vốn từ nhà đầu tư thiên thần thay vì quỹ đầu tư mạo hiểm, và cũng không vay nợ để tránh rủi ro.
Trên hành trình gọi vốn, OnPoint cũng may mắn tìm được những nhà đầu tư đồng hành cùng giá trị dài hạn. Ví dụ, quỹ con của Temasek đầu tư vào OnPoint với tầm nhìn 10 năm, không chỉ rót vốn để đẩy mạnh tăng trưởng ngắn hạn mà còn tập trung vào việc tạo ra giá trị bền vững cho khách hàng và cổ đông.
Ông Quang kể rằng, trong tháng đầu tiên sau khi nhận vốn, ông đã dành cả ngày cùng nhà đầu tư để giúp họ hiểu rõ về công ty và thảo luận chiến lược tương lai.
Mỗi quý, họ họp một lần, dành một tiếng báo cáo kết quả và hai tiếng bàn về tương lai và kế hoạch hợp tác. OnPoint giúp nhà đầu tư nắm rõ bối cảnh công ty và cùng nhau tìm giải pháp cho các thách thức.
“Khi gọi vốn, chúng tôi luôn trăn trở về việc sử dụng vốn sao cho hiệu quả nhất, từ xác định chiến lược đến phân bổ nguồn lực để công ty có thể phụng sự và tạo ra giá trị tối đa”, ông Quang chia sẻ.
Đặng Hoa