Khủng hoảng kinh tế vẫn đeo đẳng, thị trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gia tăng, việc cắt giảm chi phí để đảm bảo giữ nguyên giá thành sản xuất hoặc giảm giá là bài toán sống còn của doanh nghiệp.
Trong đó, tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh giá nhiêu liệu nhiều biến động và liên tục tăng cao.
Ông Mạch Đình Khoa, Giám đốc phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại Schneider Electric Việt Nam, cho biết, năng lượng chiếm từ 15 – 20% cơ cấu giá thành sản xuất tại Việt Nam, do đó tiết kiệm năng lượng là giải pháp cần thiết để doanh nghiệp giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Qua tiếp xúc và làm việc với nhiều doanh nghiệp, ông Khoa tiết lộ, không ít doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đối với các giải pháp tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, các doanh nghiệp vẫn chưa đầu tư mạnh mà chỉ có những giải pháp mang tính cầm chừng.
Lý giải điều này, đại diện Schneider Electric Việt Nam cho biết, chính sách và các tiêu chuẩn liên quan đến tiết kiệm điện ở Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng khiến doanh nghiệp e dè trong việc tiếp cận các giải pháp.
Bên cạnh đó, nhận thức của doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng vẫn chưa đầy đủ bởi nhiều đơn vị vẫn cho rằng tiết kiệm năng lượng là yêu cầu của Chính phủ cần phải đáp ứng chứ chưa thực sự coi đây là giải pháp tối ưu hóa vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.
Bên cạnh đó, vốn và công nghệ cũng là một rào cản không nhỏ đối với các doanh nghiệp. Theo ông Khoa, chi phí đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả không nhỏ, nhiều doanh nghiệp không xác định được là đầu tư trong bao lâu thì sẽ hoàn vốn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phân tích, theo chính sách giá điện hiện tại, giá điện chỉ bằng 84 – 92% giá bình quân trong giờ sản xuất và 52 – 59% trong giờ thấp điểm, khiến tiết kiệm năng lượng vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm thực sự.
Hệ quả, không ít quy trình gây lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn chưa được doanh nghiệp tối ưu.
Tiết kiệm năng lượng cần trở thành chế tài bắt buộc
Theo một số thống kê của các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể tiết kiệm 20 – 30% năng lượng trong sản xuất công nghiệp. Bộ Công thương đưa ra con số còn tham vọng hơn, từ 30 – 35% năng lượng được tiết kiệm nếu triển khai triệt để các giải pháp.
Tiết kiệm điện không chỉ có ý nghĩa nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đại diện EVN ước tính, với 2% điện tiết kiệm mỗi năm, nền kinh tế có thể tiết kiệm được 2,8 tỷ KWh, tương ứng với khoảng 5 nghìn tỷ đồng tính theo giá điện thương phẩm.
Đây cũng là giải pháp nhằm giảm tải gánh nặng đảm bảo cung ứng điện mỗi năm của quốc gia khi Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu năng lượng vẫn còn tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, giá nhiên liệu thế giới tăng mạnh, các nguồn điện tái tạo vẫn chưa đảm bảo được sự ổn định.
Đồng tình rằng việc áp dụng các loại công nghệ mới, hiện đại nhằm tiết kiệm năng lượng sẽ tiêu tốn nhiều chi phí nhưng theo ông Quốc Dũng, vấn đề quan trọng nhất nằm ở ý thức của mỗi doanh nghiệp.
Bởi lẽ, theo nghiên cứu sơ bộ của Ngân hàng Thế giới, ít nhất 15% năng lượng có thể được tiết kiệm trong sản xuất nhờ các giải pháp đơn giản được tiến hành đồng bộ như sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, hợp lý hóa quy trình sản xuất.
Để nâng cao ý thức của các doanh nghiệp, ông Đặng Hải Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương) đề xuất việc xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xây dựng các chế tài mang tính bắt buộc đối với những giải pháp thực sự cần thiết để tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, nhằm giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp, ông Hải Dũng nhấn mạnh giải pháp trình Quốc hội xem xét xây dựng quỹ hỗ trợ cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng, tăng cường đào tạo, tập huấn, xây dựng nguồn nhân lực tiếp cận, thích nghi với những công nghệ mới như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây.
Hoàng Đông