Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giải đáp các câu hỏi/ý kiến của cử tri một số tỉnh phía Nam liên quan đến vấn đề giá điện và triển khai thị trường điện cạnh tranh.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại một số tỉnh phía Nam để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhận được một số câu hỏi/ý kiến của cử tri liên quan đến về giá điện và triển khai thị trường điện.
Đại diện Lãnh đạo EVN, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN đã giải đáp các ý kiến và câu hỏi này.
Giải đáp ý kiến cử tri về giá điện
Trả lời ý kiến cử tri tỉnh Long An và tỉnh Kiên Giang về các bậc giá điện, ông Võ Quang Lâm cho biết: Theo số liệu thực tế năm 2023, trên cả nước, số hộ có mức sử dụng điện dưới 50 kWh/tháng là 3,2 triệu hộ, chiếm 11,51% tổng số hộ sử dụng điện cho sinh hoạt với mức sử dụng bình quân là 24 kWh/hộ/tháng; số hộ có mức sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng là 7,6 triệu hộ, chiếm 27% tổng số hộ sử dụng điện cho sinh hoạt với mức sử dụng bình quân là 54kWh/hộ/tháng.
Trong dự thảo sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (dự thảo Quyết định 28), trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giá bán lẻ điện cho sinh hoạt từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, trong đó giá bán lẻ điện bậc 1 sẽ là giá cho 100 kWh đầu tiên. Hiện nay dự thảo Quyết định 28 đang được các bộ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới.
Về ý kiến của cử tri tỉnh Kiên Giang xung quanh việc điều chỉnh giá bán lẻ điện và sử dụng điện vào giờ cao điểm, ông Võ Quang Lâm thông tin: Việc điều hành, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trước đây được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ và hiện nay thực hiện theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân quy định (có hiệu lực từ ngày 15/5/2024 và thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg).
Đối với cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định như sau:
Khoản 1 Điều 4 nêu:“Giá bán điện bình quân được lập trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành - quản lý ngành, các khoản chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư…”.
Các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 3 nêu:
“1. Hằng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm N-2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân năm N được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và điều hành - quản lý ngành) và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
2. Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
3. Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.
4. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.”
Như vậy việc điều hành, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ được thực hiện trên cơ sở kết quả tính toán, các hồ sơ thủ tục quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg trước đây và Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg hiện hành.
Trong các năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện (than, dầu, khí, tỷ giá) tăng cao do biến động của tình hình chính trị - xã hội toàn thế giới, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo chiều hướng bất lợi (tỷ trọng các nguồn điện có giá rẻ như thủy điện giảm, các nguồn điện có giá mua đắt như nhiệt điện than, nhiệt điện dầu… tăng cao), dẫn tới chi phí khâu phát điện tăng cao.
"Trong bối cảnh đó, EVN và các đơn vị thành viên đã nỗ lực tối đa để thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, tuy nhiên do giá thành khâu phát điện tăng quá cao dẫn tới chi phí sản xuất, kinh doanh điện của EVN vẫn tăng cao, gây áp lực lên cân bằng tài chính của EVN", ông Võ Quang Lâm chia sẻ và cho biết, đối với việc điều hành giá điện trong thời gian tới sẽ thực hiện trên cơ sở các quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Kế hoạch triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Trước ý kiến của cử tri tỉnh Kiên Giang về kế hoạch triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, ông Võ Quang Lâm cho biết: Việc triển khai Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đã được quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó Đề án Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam đã được Bộ Công Thương phê duyệt (tại Quyết định số 2093/QĐ-BCT ngày 07/8/2020), trong đó bao gồm các giải pháp và kế hoạch thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh cho 3 giai đoạn (giai đoạn 1 đến hết năm 2021, giai đoạn 2 từ năm 2022 - 2024 và giai đoạn 3 từ sau năm 2024) khi các điều kiện tiên quyết của từng giai đoạn được đáp ứng.
Hiện nay EVN và các Tổng công ty Điện lực đang chủ động phối hợp với Cục Điều tiết điện lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 2093/QĐ-BCT.
Ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, trong tháng 5/2024, các Công ty Điện lực thành viên EVNSPC đã chủ động làm việc, tham gia cùng Đoàn ĐBQH tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam đi tiếp xúc, báo cáo cử tri về tình hình cung cấp điện trong năm 2024. Theo đó, EVNSPC cùng các đơn vị thành viên đã và đang tiếp tục triển khai phương án bảo đảo cấp điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn các tỉnh.
Trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đơn vị điện lực thuộc EVNSPC đã tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tại địa phương để giải đáp những vấn đề liên quan đến ngành điện do cử tri nêu ra. Qua đó, ngành điện đã ghi nhận, giải đáp cụ thể, đầy đủ 41 ý kiến của cử tri ở 21 tỉnh thành phía Nam và được các Đoàn ĐBQH, chính quyền các địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Các ý kiến của cử tri dành cho ngành Điện xoay quanh những nội dung thiết thực, bao gồm: sử dụng điện an toàn, tiết kiệm điện; dịch vụ khách hàng; giá điện; năng lượng mặt trời mái nhà; dịch vụ cung cấp điện; thay công tơ điện; đầu tư xây dựng lưới điện;…, ông Hoan cho biết thêm.
Qua công tác báo cáo Đoàn ĐBQH, cũng như tham gia các buổi tiếp xúc cử tri tại địa phương trên địa bàn EVNSPC quản lý, các Đại biểu Quốc hội đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của ngành Điện trong việc luôn lắng nghe, chủ động giải đáp thắc mắc và giải quyết kịp thời nội dung các phản ánh của cử tri, cũng như của Đại biểu Quốc hội; đồng thời ghi nhận các đóng góp, kiến nghị để đảm bảo từng bước nâng cao chất lượng ngành điện, phục vụ tốt hơn cho người dân.