Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV) cùng các nhà đầu tư trong liên danh dự kiến sẽ thực hiện Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng quy mô 11.000 tỷ đồng ngay trong quý 1 này.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV) đại diện liên danh nhà đầu tư, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Ngân hàng TPBank mã cổ phiếu TPB)… vừa có cuộc họp về việc thúc đẩy tiến độ triển khai Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.
Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng chiều dài gần 60 km, bao gồm cả đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, được đầu tư theo hình thức PPP, phân loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư là 11.029 tỷ đồng.
Trong đó, vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.529 tỷ đồng (chiếm 50,13%); vốn nhà nước khoảng 5.500 tỷ đồng (chiếm 49,87%) gồm vốn ngân sách trung ương 3.500 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh 2.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Đoàn - Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn nhấn mạnh, Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là công trình được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chủ trì thúc đẩy công tác công tác triển khai Dự án. Bản thân tỉnh Lạng Sơn cũng trông đợi từng ngày từng giờ đưa Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vào triển khai thi công.
Bí thư tỉnh uỷ Lạng Sơn cũng đánh giá cao việc liên danh nhà đầu tư với đại diện là Giao thông Đèo Cả đã đề xuất phương án huy động nguồn lực để thực hiện Dự án có tính khả thi cao và chỉ đạo các sở ban ngành thực hiện các công việc liên quan để tổ chức đấu thầu khởi công công trình trong quý 1/2024.
Để có thể tiến hành khởi công Dự án vào cuối tháng 3/2024, ông Nguyễn Quốc Đoàn giao Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh Lạng Sơn đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh thẩm định dự án, hoàn thành công tác lựa chọn, ký hợp đồng nhà đầu tư trước 27/3/2024.
Tại cuộc họp, ông Đinh Việt Tùng - Phó Tổng Giám đốc SCIC, đơn vị này đã xem xét và thấy rằng tính khả thi Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng còn cao hơn cả Dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Nếu tập trung làm thì mức độ thành công cao và SCIC sẵn sàng đầu tư vốn theo yêu cầu của liên danh nhà đầu tư.
Phần vốn còn lại trị giá khoảng 5.529 tỷ đồng đã được Giao thông Đèo Cả và các nhà đầu tư trong liên danh chuẩn bị sẵn sàng, trong đó có khoảng 2.500 tỷ đồng từ Ngân hàng TPBank đã cam kết cho vay theo biên bản ngày 10/1/2024.
Đại diện Giao thông Đèo Cả cũng đã đề nghị SCIC phát hành 1.923 tỷ đồng trái phiếu cho Dự án và sớm có văn bản phản hồi trước ngày 31/1/2024 để kịp thời triển khai công tác tài chính.
Trước đó, liên danh do Giao thông Đèo Cả đứng đầu đã được UBND tỉnh Cao Bằng lựa chọn làm nhà đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1. Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn 1 có chiều dài 93 km với tổng mức đầu tư 14.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 từ năm 2020 - 2025.
Xét về hoạt động kinh doanh, tính đến tháng 10/2023, Giao thông Đèo Cả đang thực hiện 9 gói thầu thi công với tổng giá trị backlog còn lại ước đạt 3.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Giao thông Đèo Cả còn có kế hoạch phát triển dự án mới đầy tham vọng, với tổng mức đầu tư lên tới 138.958 tỷ đồng, bao gồm: 4 dự án đường cao tốc (tổng mức đầu tư là 79.250 tỷ đồng) và dự án đường sắt Metro 2 giai đoạn 3 của TP.Hồ Chí Minh (tổng mức đầu tư là 59.708 tỷ đồng).
Duy Quang