Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) vẫn chưa nộp số tiền nợ quỹ bình ổn xăng dầu và tiền lãi phạt chậm nộp vào ngân sách…
Mới đây, Bộ Công Thương đã giục Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) nộp khoảng 612 tỷ đồng và tiền lãi phạt chậm nộp vào ngân sách sau hơn một tháng doanh nghiệp không có hồi âm. Bộ cho biết, việc hối thúc dựa trên cơ sở phối hợp và Bộ Tài chính đã giục nhưng doanh nghiệp chưa nộp lại.
Trong văn bản gửi Hải Hà Petro, Bộ Công Thương dẫn quy định cho biết Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đầu mối xăng dầu trích lập, chi sử dụng, quản lý quỹ bình ổn xăng dầu.
Bộ này đồng thời là đơn vị kiểm tra, kiểm soát nguồn nộp, chấp hành quy định về thu nộp và xử lý theo thẩm quyền hành vi vi phạm về thuế, phí, các khoản thu khác.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho rằng cơ quan này có các biện pháp để cưỡng chế, thu hồi tiền chiếm dụng của doanh nghiệp nhưng vụ án đang điều tra nên cần phối hợp, chờ phán quyết từ phía cơ quan công an.
Trước đó, tại thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ có đề cập tới hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, việc sử dụng quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Hải Hà Petro.
Cụ thể, Hải Hà Petro đã trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách 110.242 m3. Từ đó dẫn đến trích lập quỹ bình ổn giá sai, vượt khối lượng với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 11/2023, số dư quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp đầu mối này là 612 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đã bị cơ quan nhà nước phạt hành chính 4 lần, nhưng vẫn chưa khắc phục hậu quả. Đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường trên 1.781 tỷ đồng.
Hồi tháng 9/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai (62 tuổi) vì liên quan đến vấn đề nợ thuế. Bà Trần Tuyết Mai là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Sang tháng 1/2024, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu của Hải Hà Petro và yêu cầu doanh nghiệp này nộp ngay tiền nợ quỹ bình ổn vào ngân sách.
Cùng với đó, bà Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Hải Hà Petro cũng bị bắt do những sai phạm trong dùng sai tiền quỹ bình ổn, không khai nộp thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát và hậu quả nghiêm trọng.
Hải Hà Petro là một công ty xăng dầu lớn khu vực miền Bắc, được cấp phép năm 2012. Theo giới thiệu, doanh nghiệp này hiện có 22 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 200 khách hàng là thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý mua bán tiêu thụ trực tiếp trên cả nước.
Ngọc Nhi