Hôm nay, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hoà đã có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an về việc huỷ bỏ tạm hoãn xuất cảnh với ông Nguyễn Tâm Thịnh.
Lý do huỷ bỏ tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dụng Trung Nam đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Thời gian hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh kể từ ngày hôm nay.
Trước đó, Cục Hải quan Khánh Hòa đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam từ ngày 6/5/2024.
Nguyên nhân do ông Thịnh là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế do nợ hơn 21 tỷ đồng.
Ông Lê Như Phước An, Phó tổng giám đốc thường trực của Trung Nam cho hay việc nợ thuế 21 tỷ đồng bắt nguồn từ việc thuế nhập khẩu thiết bị dự án điện mặt trời Thuận Nam 450 MW, do hải quan tỉnh Ninh Thuận không đồng ý hồ sơ thủ tục miễn thuế do công ty lập khi có thay đổi chủ đầu tư dự án theo phê duyệt của UBND tỉnh.
Nghĩa vụ thuế này chỉ mới phát sinh sau đợt kiểm tra của hải quan Ninh Thuận.
“Tuy nhiên, dù vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, chúng tôi đã cố gắng hoàn thành các nghĩa vụ của doanh nghiệp, đặc biệt là nghĩa vụ thuế và tài chính”, ông An cho biết.
Bên cạnh đó, ông An nói thêm rằng khoản thuế này được tập đoàn sắp xếp từ những nguồn khác và qua việc này, tập đoàn “cũng mong EVN sắp xếp xử lý các khoản chưa thanh toán của Trung Nam, cùng đồng hành với doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực này.”
Được biết, dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam tại Ninh Thuận do công ty con của tập đoàn đầu tư đã bị Tập đoàn Điện lực Việt Nam dừng huy động đối với phần công suất 172MW từ tháng 9/2022 với lý do không đáp ứng quy định hưởng giá bán điện ưu đãi FIT.
Chủ đầu tư cho biết sản lượng phát lên lưới của phần công suất 172MW từ 1/10/2020 đến ngày 31/8/2022 là khoảng 687 triệu kWh, tương đương 814 tỉ đồng, nhưng chưa được EVN thanh toán.
Chủ đầu tư nhiều lần đề nghị tạm thanh toán với đơn giá chỉ bằng 40% mức giá khung đối với các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp để hỗ trợ giải quyết khó khăn về tài chính.
Tập đoàn cũng cho biết vướng mắc đối với phần công suất này là dự án được xây dựng trên ba xã Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh, huyện Thuận Nam nhưng giấy phép hoạt động điện lực chỉ thể hiện ở xã Phước Minh nên EVN chỉ thanh toán một phần doanh thu phát điện tương ứng phần diện tích nhà máy thuộc xã Phước Minh từ tháng 10/2023.
Tổng giá trị chưa thanh toán tương ứng phần diện tích còn lại khoảng 274 tỉ đồng.
Trung Nam cho biết việc thiếu hụt doanh thu kéo dài khiến họ không thể đảm bảo nguồn kinh phí để vận hành, bảo trì hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam.
Hà Linh