Tránh 'nguy cơ kiệt sức' trong doanh nghiệp

Nguy cơ kiệt sức trong doanh nghiệp

Nguy cơ kiệt sức trong các doanh nghiệp hiện đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với sức khỏe tinh thần của nhân viên và hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Kiệt sức, hay được giới nhân sự nhắc đến với thuật ngữ "burnout", không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn có tác động tiêu cực đến văn hóa doanh nghiệp, sự sáng tạo và hiệu suất làm việc chung.

Theo nghiên cứu của Anphabe, những người bị kiệt sức có rủi ro gặp các vấn đề về hiệu suất cao hơn gấp 10 lần so với những người chỉ bị căng thẳng (stress). Trung bình, cứ 10 người đi làm bị stress thường xuyên thì có bốn người đã chuyển sang trạng thái kiệt sức.

Kiệt sức có thể hiểu đơn giản là trạng thái mệt mỏi kéo dài về cả thể chất và tinh thần, thường xuất hiện khi nhân viên phải làm việc quá sức trong một thời gian dài mà không được nghỉ ngơi hoặc phục hồi đủ. Một số dấu hiệu phổ biến của kiệt sức bao gồm sự mệt mỏi về cảm xúc, cảm thấy trống rỗng, thiếu động lực, và giảm hiệu suất làm việc.

Có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Khi nhân viên phải đối mặt với khối lượng công việc quá nhiều, họ thường bị căng thẳng kéo dài và dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi. Nếu môi trường làm việc không cung cấp đủ sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất, nhân viên cũng dễ cảm thấy cô đơn và áp lực.

Ngoài ra, không thể duy trì một sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân là một trong những yếu tố chính làm gia tăng nguy cơ kiệt sức.

Theo ông Lê Nhật Trường Chinh, CEO của Success Partner, nguy cơ kiệt sức có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những dấu hiệu nhỏ như sự giảm sút hiệu quả công việc, cho đến những biểu hiện nghiêm trọng hơn như căng thẳng về tâm lý, mất ngủ, và suy giảm sức khỏe tổng thể.

Tránh 'nguy cơ kiệt sức' trong doanh nghiệp
Ông Lê Nhật Trường Chinh, CEO của Success Partner

Theo đánh giá từ công cụ MQ (Motivation Questionnaire), một trong những công thức đánh giá nguy cơ kiệt sức là sự mất cân bằng giữa năng lượng bỏ ra cho công việc và các yếu tố tích cực như sự hài lòng về cuộc sống và tính lạc quan.

Khi năng lượng tiêu hao quá lớn mà không được bù đắp bằng các yếu tố tích cực, nhân viên dễ rơi vào tình trạng kiệt sức.

Một ví dụ điển hình là khi nhân viên có chỉ số rủi ro kiệt sức (BOR) cao trong MQ, họ đang đối mặt với nhiều áp lực từ công việc mà không có đủ sự hỗ trợ về mặt tinh thần.

Chỉ số này phản ánh mối quan hệ giữa năng lượng bỏ ra cho công việc, thái độ lạc quan và sự hài lòng về cân bằng công việc - cuộc sống. Một BOR cao cho thấy rằng năng lượng tiêu hao lớn không được cân bằng bởi các yếu tố tích cực, dẫn đến rủi ro kiệt sức cao.

Điều này có thể xảy ra ngay cả khi nhân viên có tính cách mạnh mẽ và khả năng chịu đựng stress tốt, theo đánh giá từ công cụ Trait-Map, nhưng điều kiện làm việc không thuận lợi khiến họ rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài. Trait-Map đánh giá các đặc điểm tính cách có ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng và quản lý stress của nhân viên.

“Sự mâu thuẫn giữa hai chỉ số cho thấy mặc dù cá nhân có đặc điểm tính cách tốt nhưng điều kiện làm việc hiện tại có thể quá đòi hỏi, gây căng thẳng không cần thiết”, ông Chinh nói.

Trong trường hợp cả hai chỉ số cao, người đó có nguy cơ kiệt sức từ cả bên trong lẫn bên ngoài, với sự kết hợp của đặc điểm tính cách không hỗ trợ quản lý stress và điều kiện làm việc không hài lòng.

Khi cả hai chỉ số ở mức trung bình, một sự cân bằng khá tốt giữa tính cách và điều kiện làm việc được đảm bảo. Trường hợp này có vẻ như đang quản lý được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, việc duy trì và cải thiện sự hài lòng cần được chú trọng để tránh rủi ro tăng lên trong tương lai.

Giảm nguy cơ kiệt sức cách nào?

Theo ông Chinh, những nhân viên có sự lạc quan và cảm giác kiểm soát cao trong công việc thường ít có nguy cơ kiệt sức hơn. Để giảm nguy cơ kiệt sức, CEO Success Partner đưa ra bốn khuyến nghị cho các doanh nghiệp.

Một là đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này bao gồm việc cung cấp các chính sách nghỉ phép hợp lý, cho phép nhân viên có đủ thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sau thời gian làm việc căng thẳng.

Hai là xây dựng một môi trường làm việc tích cực. Doanh nghiệp cần tạo ra một môi trường làm việc mà ở đó nhân viên cảm thấy được hỗ trợ, cả về tinh thần và công việc. Điều này có thể đạt được thông qua việc xây dựng các chương trình hỗ trợ tinh thần, tổ chức các hoạt động gắn kết đội ngũ, và khuyến khích sự tương tác giữa các cấp lãnh đạo và nhân viên.

“Một môi trường làm việc lành mạnh không chỉ giúp nâng cao sức khỏe tinh thần mà còn giúp cải thiện hiệu suất làm việc và sự gắn kết của nhân viên với tổ chức”, ông Chinh nói.

Ba là thúc đẩy sự lạc quan trong công việc. Người lãnh đạo nên tạo điều kiện để nhân viên có thể nhìn nhận công việc một cách tích cực. Điều này bao gồm việc ghi nhận và khen thưởng những nỗ lực của nhân viên, giúp họ cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa và giá trị.

Bốn là phát triển kỹ năng quản lý stress. Doanh nghiệp có thể tổ chức các khóa học, chương trình đào tạo về kỹ năng quản lý stress, giúp nhân viên học cách đối phó với căng thẳng và duy trì sự cân bằng trong cuộc sống.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.