Đắk Lắk: Lô sầu riêng đầu tiên sắp xuất sang thị trường Trung Quốc

Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc là cơ hội để sản phẩm sầu riêng đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

 

Mới đây, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, văn phòng vừa nhận được thông báo về kết quả kiểm tra bằng video của các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam sang Trung Quốc.

3826-img-9356-e10e-913-1513.jpgĐắk Lắk là tỉnh có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nhiều nhất cả nước.

Theo quy định của Nghị định thư do Trung Quốc và Việt Nam ký kết, trước khi bắt đầu giao thương, phía Trung Quốc sẽ tiến hành rà soát việc tuân thủ Nghị định thư đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc.

Để đảm bảo an ninh thương mại và đẩy nhanh quá trình đăng ký của các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của nước bạn sang Trung Quốc, kết hợp với các tài liệu xác minh liên quan do bạn cung cấp, kể từ ngày 15/7 – 4/9, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tiến hành đánh giá kiểm định các video qua hình thức trực tuyến về vườn trồng và cơ sở đóng gói.

Sau khi xem xét, đánh giá, phía Trung Quốc cho rằng, các vườn sầu riêng và cơ sở đóng gói của Việt Nam về cơ bản có thể tiến hành trồng, sản xuất, chế biến theo đúng yêu cầu của Nghị định thư, việc kiểm dịch, giám sát đã được thực hiện tốt.

3830-img-9688-5849-4566.jpgHuyện Krông Pắc đang chuẩn bị để xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc.

Kết quả có 51/126 mã số vườn trồng và 25/44 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư và được chấp thuận để sản phẩm sầu riêng từ các cơ sở này xuất khẩu sang nước họ.

Cụ thể: 51/126 mã số vùng trồng, bao gồm: Bến Tre 2 mã, Bình Phước 5 mã, Bình Thuận 2 mã, Đắk Lắk 23 mã, Đồng Nai 7 mã, Đồng Tháp 1 mã, Khánh Hòa 2 mã, Kon Tum 2 mã, Lâm Đồng 1 mã, Long An 2 mã, Tây Ninh 1 mã, Tiền Giang 3 mã.

 

25/44 mã số cơ sở đóng gói, bao gồm: Bến Tre 3 mã, Đắk Lắk 4 mã, Đồng Nai 3 mã, Đồng Tháp 1 mã, Hải Dương 1 mã, Khánh Hòa 1 mã, Lâm Đồng 2 mã, Tiền Giang 10 mã.

Như vậy, Đắk Lắk (23/51 mã) và Tiền Giang (10/25 mã) là những tỉnh có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nhiều nhất cả nước. Những doanh nghiệp và vùng trồng này sẽ chính thức được xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc.

Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, Đắk Lắk là tỉnh có nhiều mã số vùng trồng được công nhận nhất với 23/51 mã; trong đó, riêng huyện Krông Pắc là địa phương có mã số vùng trồng nhiều nhất của tỉnh Đắk Lắk, với 17/23 mã vùng trồng được công nhận.

Ông Trần Hồng Tiến cũng chia sẻ: huyện Krông Pắc đã tạo lập nhiều vùng trồng sầu riêng chuyên canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trước đó, vào tháng 3/2022 Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Sầu riêng Krông Pắc”.

Việc được chính thức xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc là cơ hội để sản phẩm sầu riêng Krông Pắc nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Hiện huyện cũng đang xúc tiến, hoàn tất các công việc để chuẩn bị xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc./.

Phúc Nguyên - Quý Nguyễn

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.