Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Sắc xanh bao trùm, thanh khoản bùng nổ

Trong tuần giao dịch vừa qua (2/1 - 5/1), thị trường chứng khoán ghi nhận 25 mã cổ phiếu ngân hàng tăng, 1 mã giảm và 1 mã đứng giá…

Trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới, nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận diễn biến tích cực khi có tới 25 mã tăng giá. Trong 10 mã cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index trong tuần qua có tới 9 mã thuộc nhóm ngành ngân hàng.

Trong đó, mã MBB của Ngân hàng Quân đội (MB Bank) có mức tăng mạnh nhất toàn ngành, lên đến 9,9% đạt mức 20.500 đồng/cổ phiếu. Sau 6 phiên tăng giá liên tiếp, đặc biệt phiên 4/1 tăng gần 5%, thị giá của mã cổ phiếu này đã quay trở lại vùng giá của giữa năm 2022.

Theo sau là “ông lớn” VCB với mức tăng 7,3%, theo đó đóng cửa tuần ở mức giá 86.200 đồng/cổ phiếu. Là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường, đà tăng này giúp VCB trở thành mã tác động tích cực nhất tới chỉ số VN-Index trong tuần qua.

Tương tự, 2 mã cổ phiếu khác trong nhóm Big 4 ngân hàng là CTG và BID cũng ghi nhận diễn biến tích cực, lần lượt tăng 7% và 2,5% và kết tuần tại mức giá 29.000 đồng/cổ phiếu và 44.500 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, OCB cũng là mã cổ phiếu ngân hàng có đà tăng ấn tượng trong tuần qua với mức tăng lên đến 7,1%, leo lên mức giá 14.250 đồng/cổ phiếu. Theo sau là 3 mã SHB, NVB và ACB với mức tăng tốt lần lượt là 6,9%, 6,7% và 6,5%.

Đối với mức tăng trên 5% còn có các mã SGB (+5,7%); VIB (+5,6%); LPB (+5,4%). Trong tuần qua cũng có rất nhiều mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng trên 4%, điển hình như: STB (+4,8%); BAB (+4,7%); KLB (+4,5%); TCB (+4,4%); BVB (+4,3%); MSB (+4,2%).

Ngoài ra, những mã cổ phiếu ngân hàng kết tuần trong sắc xanh còn có: NAB (+4%); VBB (+3,8%); ABB (+3,8%); TPB (+3,4%); EIB (+3%); VAB (+1%); HDB (+1%); PGB (+1%).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SSB của ngân hàng SeABank là mã duy nhất giảm giá trong tuần qua. Tuy nhiên, mức điều chỉnh này tương đối nhỏ, chỉ giảm 1,3% về còn 23.600 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, VPB cũng là mã cổ phiếu ngân hàng duy nhất đứng giá trong tuần qua và đóng cửa ở mức 19.200 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Sắc xanh bao trùm, thanh khoản bùng nổ
Thay đổi giá trong tuần giao dịch qua

Về thanh khoản, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có thanh khoản tốt trong tuần đầu tiên của năm 2024 với gần 900 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng với giá trị lên đến 17.500 tỷ đồng, cao xấp xỉ các tuần trước đó dù chỉ có 4 phiên giao dịch.

Trong đó, cổ phiếu STB của Sacombank vẫn tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với giá trị giao dịch đạt 2.800 tỷ đồng, bỏ xa mức 2.050 tỷ đồng của 2 mã đứng sau đó là SHB và MBB. Đi cùng với đà tăng của giá, thanh khoản của MBB cũng cao hơn gấp đôi của tuần cuối cùng năm 2023.

Các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhiều quan tâm vào nhóm cổ phiếu "vua" khi mua ròng gần 350 tỷ đồng cổ phiếu VCB, mức cao nhất trên thị trường tuần qua. Cùng với đó là mua ròng 162 tỷ đồng VPB, 48 tỷ đồng OCB và 47 tỷ đồng CTG. Ở chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 2 mã SHB là LPB với giá trị bán ròng lần lượt là 116 tỷ và 61 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, khối tự doanh của các công ty chứng khoán mạnh tay mua ròng 242 tỷ đồng cổ phiếu VPB, 107 tỷ đồng VIB, song đồng thời cũng bán ròng 131 tỷ đồng MBB.

Về những sự kiện đáng chú ý trong ngành tuần qua, 4 ngân hàng Big 4 là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã hé lộ kết quả kinh doanh trong năm 2023. Cụ thể, lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết lợi nhuận trước thuế tăng 10,2% so với cùng kỳ, hoàn thành 100,3% kế hoạch năm 2023, ước tính ở mức khoảng 41.000 tỷ đồng. Như vậy, khả năng cao ngân hàng sẽ giữ vững ngôi vị quán quân lợi nhuận ngành trong năm trước

Cùng ngày, lãnh đạo ngân hàng BIDV cho biết, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 đạt 26.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng. Với kết quả trên, BIDV là ngân hàng Big 4 có lãi cao thứ 2, chỉ sau Vietcombank và nhỉnh hơn Agribank (dự kiến 25.300 - 25.400 tỷ đồng) và VietinBank (hoàn thành kế hoạch đề ra).

Một nội dung đáng chú ý khác, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, cách đây mấy ngày, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức báo cáo số liệu tăng trưởng tín dụng của năm 2023 là 13,71%, như vậy khối lượng tuyệt đối có thể đưa vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2023.

"Chúng tôi cũng dự kiến cho năm 2024 tăng trưởng 15%. Như vậy, nếu tính trên cơ sở lượng tiền, dư nợ hiện nay là khoảng 13,56 triệu tỷ đồng thì có nghĩa là gần 2 triệu tỷ đồng sẽ được tăng thêm vào năm 2024", Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Cũng trong tuần qua, ngân hàng Eximbank công bố dự kiến sẽ bán gần 6,1 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá mục tiêu bình quân không thấp hơn 20.199 đồng/cổ phiếu với mục đích bổ sung vốn kinh doanh. Phương thức giao dịch sẽ là khớp lệnh trên sàn HOSE. Thời gian dự kiến từ ngày 15/1- 7/2/2024. Với mức giá trên, dự kiến Eximbank sẽ thu về ít nhất 123 tỷ đồng.

Tại ngân hàng VIB, Hội đồng quản trị ngân hàng vừa công bố ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông được nhận tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 6% năm 2023 là ngày 22/1/2024. VIB là ngân hàng đầu tiên công bố thời điểm chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024.

Tin liên quan

Quỹ ngoại muốn thoái vốn khỏi ACB

Quỹ ngoại muốn thoái vốn khỏi ACB

CVC Capital Partners đang đàm phán bán cổ phần tại ACB. Ước tính quỹ này sở hữu gần 5% cổ phần, khoảng 200 triệu USD dựa trên vốn hóa thị trường hiện tại của ngân hàng là hơn 4 tỷ USD.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.