Theo quy định tại Thông tư 22 (Bộ Y tế) ban hành mới đây, từ 1/1/2025, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám, chữa bệnh (KCB) được bác sĩ kê đơn nhưng phải tự mua thuốc có trong danh mục BHYT chi trả thì sẽ được thanh toán. Đây được cho là một trong những giải pháp bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT khi bệnh viện (BV) thiếu thuốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là bước gỡ, là giải pháp tình thế trong giai đoạn ngắn.
Thuốc cung ứng không kịp thời cho người bệnh
Mới đầu năm mới, bà Hoàng Lệ H (56 tuổi) ở Võng Thị (Tây Hồ, Hà Nội) bị tai nạn giao thông, nhập viện và được chẩn đoán “gãy xương vai và xương cánh tay” chỉ định mổ tại một BV ở Hà Nội. Trước khi vào ca mổ, gia đình bà H được bác sĩ chia sẻ những khó khăn mà BV đang gặp phải trong mua sắm thuốc, vật tư và hướng dẫn gia đình mua ngoài một số loại thuốc, vật tư sử dụng trong ca mổ. “Là người bệnh mong được mổ sớm, khi bác sĩ đề nghị mua thì gia đình thật sự hoang mang. Số tiền ước khoảng 10 triệu đồng. Đang thời gian nghỉ Tết, gia đình không biết mua thuốc, vật tư ngoài ở đâu? Nhưng dù tốn kém hay khó khăn thế nào, gia đình cũng sẽ cố gắng để lo chữa trị cho người bệnh sớm nhất”, gia đình bà H tâm tư.
Còn ông Nguyễn D.N (70 tuổi) ở Thái Nguyên bị huyết áp cao dẫn đến bệnh tim, hằng tháng ông phải đi xe khách về Hà Nội để tái khám và mua thuốc. Gần đây, khi thăm khám bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu bị suy thận, phải uống thuốc theo đơn và phải mua ngoài. Suốt nhiều tháng qua, mỗi tháng ông N phải trả thêm 1-2 triệu đồng tiền thuốc. “Tiền thuốc, vật tư đáng ra người dân được hưởng từ việc tham gia BHYT thì lại phải tự bỏ tiền túi, lại mất thêm công sức đi mua. Do lớn tuổi, phải chi trả thêm tiền viện phí mỗi tháng sẽ rất áp lực lên đời sống kinh tế gia đình”, ông N nói.
Trước thực trạng một số cơ sở y tế không cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc và vật tư y tế theo BHYT cho người bệnh, dẫn đến tình trạng người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài cơ sở KCB. Để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT khi đi KCB.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn có tình trạng cơ sở KCB cung ứng không đầy đủ, không kịp thời cho người bệnh. Thực tế, tại bất kỳ thời điểm nào, việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn có thể xảy ra bởi những nguyên nhân khách quan như: đã thực hiện đấu thầu nhưng không có đơn vị trúng thầu hoặc đã ký hợp đồng cung ứng với nhà thầu nhưng tại thời điểm chỉ định thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế cho người bệnh, nhà cung cấp không cung ứng được do thiếu nguồn cung hay hàng hóa về chậm…
Đáng lưu ý, quy định điều kiện thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế cho người có BHYT đi KCB chặt chẽ, khả thi trong các trường hợp không có thuốc, thiết bị y tế do các nguyên nhân bất khả kháng. Các quy định tại Thông tư vẫn bảo đảm trách nhiệm của cơ sở KCB trong mua sắm, đấu thầu và cung ứng thuốc cho người bệnh. Thông tư quy định các nội dung khác như: Quy định mức thanh toán trực tiếp, hồ sơ, thủ tục thanh toán thuốc, thiết bị y tế, trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện Thông tư của các đơn vị liên quan.
Không “đá” trách nhiệm đến người bệnh
Một đại diện cơ quan BHXH địa phương cho biết, Thông tư 22 của Bộ Y tế quy định thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế cho người bệnh BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có BHYT. Nhưng vị này cũng bình luận, yêu cầu để được thanh toán chưa hợp lý, còn nhiều bất cập gây phiền hà cho người dân, không khả thi. “Người dân bỏ tiền ra để mua thuốc, vật tư y tế nhưng phải đến cơ quan BHXH để làm thủ tục thanh toán rất mất thời gian và công sức. BHXH phải thẩm định mới chi trả” - vị này nói. Chưa kể điều kiện nếu BV có hoạt chất đó mà cho ra mua ngoài thì bệnh nhân không được chi trả. Hoặc có hoạt chất cùng loại nhưng tên khác mà BV cho mua ngoài thì bệnh nhân cũng không được chi trả. Người bệnh có mua giá đắt hơn thì cũng chỉ được trả theo giá thầu... “Đâu phải bệnh nhân nào cũng có tiền, đâu phải người dân nào cũng có người thân để yêu cầu ra ngoài mua thuốc, rất nhiều bệnh nhân đơn thân. Chưa kể có thể phát sinh tiêu cực trục lợi quỹ BHYT”, vị này cho hay.
Bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay danh mục thuốc hiếm bao gồm 442 hoạt chất, vaccine/tổng số hơn 1.200 hoạt chất trong danh mục thuốc, sinh phẩm BHYT chi trả. Bà Anh khẳng định, việc người bệnh mua thuốc xong phải tự đến BHXH làm thủ tục nhận tiền không phải là chính sách ưu tiên trong tiếp cận thuốc và vật tư y tế. Đây chỉ là một giải pháp tình thế trong trường hợp thiếu thuốc do khách quan. “Thông tư này chỉ hướng dẫn tập trung cho thuốc hiếm. Bộ Y tế đã xây dựng chính sách chi trả trực tiếp chặt chẽ và đề cao trách nhiệm mua sắm của bệnh viện là bảo đảm thuốc, vật tư điều trị”, bà nói.
Bà Anh giải thích đối với thuốc, hoạt chất thông thường các BV có thể sử dụng hoạt chất thay thế. Quan trọng nhất là bảo đảm điều trị theo phác đồ, không đẩy người bệnh ra ngoài mua thuốc, vật tư. Riêng với thuốc hiếm, đây là những thuốc ít có khả năng cung ứng trên thị trường, ít có khả năng thay thế. Trong trường hợp khách quan, BV không mua sắm được do nguồn cung, do đấu thầu phải chỉ định người bệnh ra ngoài mua thì bệnh nhân sẽ được chi trả trực tiếp. “Chính sách này không tạo điều kiện để cơ sở KCB kê đơn rộng rãi cho người bệnh ra ngoài mua”, bà nói.
Lãnh đạo Vụ BHYT nói khi người bệnh đến cơ sở chữa bệnh, BV phải bảo đảm thuốc điều trị, người bệnh không phải tự mua sắm là thuận lợi nhất. Bởi thực tế việc người bệnh phải tự đi mua thuốc, tự nộp hồ sơ chi trả sẽ gây phiền hà và khó khăn.
Bà Vũ Nữ Anh cho hay, thời gian qua chính sách liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc đã có rất nhiều văn bản gỡ vướng để BV mua sắm đúng quy định, bảo đảm thuốc và vật tư điều trị cho người bệnh. “Việc thiếu thuốc do nguồn cung, do khách quan là rất hiếm, chỉ với một số rất ít loại thuốc, nguyên nhân thiếu phần lớn do chủ quan, BV dự trù đủ hoặc tổ chức đấu thầu chưa hợp lý. Thậm chí có những BV đáng lẽ phải dự thầu từ tháng 6, nhưng tháng 8 mới làm dẫn đến gián đoạn nguồn cung”, bà Anh nói.
Đồng tình với quan điểm của Vụ BHYT, một bác sĩ đang công tác tại BV ở Hà Nội cũng cho rằng, BV phải cố gắng đủ mọi cách để đủ thuốc, vật tư điều trị cho người bệnh. “Người bệnh, gia đình họ biết mua ở đâu trong khi bệnh viện đấu thầu nửa năm mới được thuốc. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải tạm ứng tiền, tìm nguồn có đủ hồ sơ, hóa đơn sau đó phải về cơ quan BHXH chi trả. Nếu trong trường hợp không được chi trả thì rất mất công, mất tiền. Đặc biệt, chất lượng thuốc cũng không bảo đảm”, bác sĩ này nói.
Đại diện cơ quan BHXH địa phương cũng cho rằng, tốt nhất nên để BV trực tiếp hoàn trả tiền thuốc và vật tư cho người bệnh BHYT, có thể thông qua chuyển nhượng thuốc giữa các BV chẳng hạn. Vấn đề còn lại là BHYT và BV phải giải quyết thiếu thuốc do đấu thầu. “Đây chỉ là phương án giải quyết tạm thời, gốc rễ của vấn đề là BV phải đấu thầu, mua đủ thuốc và vật tư y tế theo đúng Luật Khám, chữa bệnh”, vị này nói.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế), cũng khẳng định không mong muốn thực hiện Thông tư này nhưng vẫn phải ban hành thông tư để khắc phục những điều bất khả kháng. Đây mới chỉ là bước gỡ, là giải pháp tình thế trong giai đoạn ngắn. Bà Trang cũng cho biết, trong dự thảo Luật BHYT đang được xây dựng và trình Quốc hội, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi nhiều quy định. Chẳng hạn, thay vì người bệnh phải trực tiếp thanh toán với cơ quan BHXH thì cần có cơ chế để bệnh viện chi trả cho người bệnh, rồi BV thanh toán lại với cơ quan BHXH, để giảm thủ tục cho người bệnh.
Thông tư 22 mới ban hành quy định rõ thuốc, vật tư được chi trả chỉ thuộc danh mục thuốc hiếm và thiết bị y tế loại C hoặc D... Nghĩa là không phải BV thiếu thuốc gì thì người bệnh được chi trả trực tiếp thuốc đó, không phải thuốc hiếm và vẫn thuộc danh mục BHYT chi trả, người bệnh vẫn phải tự mua.
Bài và ảnh: MINH TÂM