Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 sụt giảm đáng kể so với các tháng từ đầu năm tới nay.
Tổng cục Thống kê ước tính 1,4 triệu lượt khách quốc tế đã tới Việt Nam trong tháng này, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đây là con số khách quốc tế thấp nhất kể từ tháng 1/2024 tới nay.
Tính chung năm tháng đầu năm, Việt Nam đã đón gần 7,6 triệu lượt khách từ nước ngoài, tăng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng nhẹ so với thời điểm trước dịch.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất, chiếm tỷ trọng hơn 1/4, theo sau là Trung Quốc (chiếm hơn 1/5).
Một số thị trường gửi khách hàng đầu khác là Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc, Thái Lan, theo Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch quốc gia.
Châu Á tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho du lịch Việt Nam với tốc độ tăng hơn 70% trong những tháng đầu năm. Trong đó, Đông Bắc Á đóng vai trò quan trọng với Trung Quốc với mức tăng hơn 300%, Hàn Quốc tăng gần 50%, Đài Loan tăng hơn 100%.
Các thị trường Đông Nam Á cũng tăng trưởng tốt, đơn cử như Indonesia, Philippines, Malaysia.
Nhờ hiệu quả từ chính sách thị thực thông thoáng được áp dụng từ giữa tháng 8 năm ngoái, các thị trường châu Âu ghi nhận các dịch chuyển tích cực, đáng chú ý là Anh, Pháp, Đức.
Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam đã chính thức cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước với thời hạn tạm trú được nâng từ 30 ngày lên đến 90 ngày.
Cùng với đó, nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên đến 45 ngày cho công dân các nước được miễn thị thực vào Việt Nam.
Đây là bước đột phá về tạo thuận lợi cho đi lại du lịch, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đã tạo động lực quan trọng cho sự phục hồi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua.
MICE - Nguồn vàng du lịch chưa khai thác hết
Phương Anh