Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang khẳng định, ngành dệt may của Việt Nam đang làm tốt công tác chuyển đổi xanh và có tiềm năng phát triển những lĩnh vực tạo giá trị cao trong giai đoạn tới.
Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may 2023 đạt hơn 40 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2022, do chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường quốc tế. Việt Nam cũng đánh mất ngôi vị xuất khẩu dệt may thứ hai thế giới vào tay Bangladesh.
Thời gian qua, một số thông tin cho rằng dệt may Việt Nam chậm chuyển đổi xanh nên bị mất đơn hàng vào tay đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, ngành dệt may đã chuyển đổi xanh từ sớm và đang làm tương đối tốt.
“Ngành dệt may thích ứng mạnh mẽ với các xu thế như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đã tiến hành chuyển đổi xanh từ vài năm trước chứ nếu giờ mới chuyển đổi thì làm gì còn cơ hội”, ông Giang khẳng định.
Ông Giang lấy ví dụ về một nhà máy dệt may ở Thái Bình với quy mô gần 20 nghìn lao động, có quang cảnh như nằm giữa một khu rừng, cho thấy sự hài hòa với thiên nhiên của nhà máy thuộc ngành công nghiệp được cho là gây ô nhiễm bậc nhất này. Chủ tịch VITAS cho biết, trong quý I/2024 sẽ mời đại sứ các nước châu Âu sang thăm nhà máy để thấy được trình độ chuyển đổi xanh ngành dệt may Việt.
Cũng theo ông Giang bổ sung, hiện tại một số công đoạn đã được ngành dệt may chuyển đổi triệt để, chẳng hạn như nồi hơi từ lâu đã được đốt bằng điện hoặc viên nén trấu chứ không dùng dầu, củi hay than đá nữa. Hệ thống điện mặt trời cũng phủ kín hầu hết nhà máy dệt may, chỉ trừ một số nhà máy miền Bắc chưa triển khai do điều kiện thời tiết.
Nhìn lại kết quả năm 2023, ông Giang cho biết, tuy giảm về tổng kim ngạch nhưng ngành dệt may đã thành công trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu với 104 thị trường, tăng gần 20% so với con số 88 thị trường năm 2022. Trong đó, khu vực Trung Đông và châu Phi tăng trưởng ấn tượng.
Theo dự đoán của VinaCapital, đơn hàng dệt may trong năm 2024 sẽ tăng trở lại, tạo điều kiện cho ngành dệt may phục hồi. Đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tại diễn đàn "Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024", ông Giang khuyến nghị một số chính sách khuyến khích gia tăng giá trị cho ngành dệt may.
Cụ thể, đại diện ngành dệt may đề nghị có chính sách, quy hoạch để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm vì “Việt Nam có thể xử lý nước thải dệt nhuộm tốt”. Ông Giang cảnh báo, nếu không phát triển ngành dệt nhuộm mà nhập khẩu để bù đắp khoảng trống này thì “các hiệp định thương mại tự do cũng chẳng hiệu quả nữa”.
Bên cạnh đó, ông Giang đề xuất xây dựng ngành công nghiệp thời trang, bao gồm việc quy hoạch các thương hiệu, nhãn hiệu thời trang Việt Nam, đặt mục tiêu đến mốc 2030 hay 2045, các sản phẩm thời trang mang thương hiệu Việt được bán trên toàn cầu, tại những cửa hàng lớn và uy tín.
Hà Nội và TP.HCM có thể được quy hoạch để trở thành trung tâm của ngành thời trang, từ đó mở ra sân chơi cho những nhà thiết kế, những ý tưởng thời trang thỏa sức sáng tạo. Ông Giang cũng đề xuất cần tích cực tuyên truyền về hàng dệt may Việt Nam để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những thương hiệu thời trang Việt.
Phạm Sơn