Lần đầu tiên, sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu với tần suất 10%.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU thông tin, ngày 17/1/2024, EU đã đăng công báo Quy định thực hiện Quy chế (EU) 2024/286 ký ngày 16 tháng 1 năm 2024, sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào Liên minh đối với một số hàng hóa từ một số nước thứ ba thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu.
Sầu riêng Việt Nam phải kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU với tần suất 10%
Theo quy định mới sửa đổi, các mặt hàng của Việt Nam vào EU sẽ chịu giám sát cửa khẩu là ớt chuông, mỳ ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%. Như vậy, đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu với tần suất 10%.
Cũng tại Quy định này, đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II (thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam) với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU.
Quy định có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo.
Doanh nghiệp/nhà xuất khẩu có thể tham khảo toàn văn Công báo về Quy định (EU) 2024/286 tại đây.
EU thường xuyên cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản nhập khẩu
Năm 2023 chứng kiến sầu riêng vượt qua thanh long, trở thành mặt hàng rau quả của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Ước tính xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021.
Về thị trường, hiện nay sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đến 24 thị trường, sầu riêng đông lạnh cũng đã xuất khẩu đến 23 thị trường. Bên cạnh thị trường lớn nhất là Trung Quốc, các thị trường đối tác FTA đều có nhiều tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Đối với thị trường EU, việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) tạo nên lợi thế cạnh tranh, gia tăng sản lượng, đa dạng mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng nông sản thế mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi về thị trường và thuế quan, EU lại có quy định rất nghiêm ngặt đối với chất lượng sản phẩm. Một trong những tiêu chí quan trọng trong xuất khẩu nông sản sang thị trường EU là sản phẩm phải nằm trong ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), chỉ trong 10 tháng năm 2023, EU đã phát đi 3.900 cảnh báo cho tất cả các nước xuất khẩu nông sản sang thị trường EU. Trong đó Việt Nam có gần 60 cảnh báo với 40% cảnh báo về rau quả (chiếm 60% cảnh báo) liên quan đến vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tất cả các nước thành viên EU đã đặt ra một danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép áp dụng và mức tồn dư tối đa được phép trên thực phẩm. Đáng chú ý, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam nhưng lại bị cấm ở EU.
Bên cạnh đó, những quy định về thuốc bảo vệ thực vật ở EU đang có xu hướng thay đổi, cập nhật nhanh hơn. Nhiều đối tượng gây hại nằm trong danh mục kiểm dịch của EU cũng đã có mặt tại Việt Nam. Đây là điều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang EU cần hết sức lưu ý, nếu không muốn gặp thiệt hại lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việt Hằng