Danh sách 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng yêu cầu đã được đăng trên trang webite của Cục Kiểm dịch Động thực vật thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc http://dzs. customs.gov.cn.
Khoai lang là loại nông sản thứ 12 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc
Vừa qua, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã công bố danh sách 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.
Đây là kết quả của một quá trình đàm phán tích cực giữa các cơ quan chuyên ngành của hai nước, kể từ khi nộp hồ sơ kỹ thuật để mở cửa thị trường cho củ khoai lang tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cho đến khi ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với khoai lang của Việt Nam (gọi chung là Nghị định thư) vào ngày 9/11/2022.
Hai bên đã phối hợp chặt chẽ các đợt kiểm tra trực tuyến các vùng trồng và cơ sở đóng gói khoai lang trước và sau Nghị định thư này được ký kết trong các khoảng thời gian từ ngày 27-28/10/2022 và từ ngày 07-10/3/2023 để thống nhất nội dung và đánh giá mức độ tuân thủ của các cơ sở sản xuất, xuất khẩu khoai lang theo các yêu cầu của Nghị định thư.
Thông qua kiểm tra trực tuyến và trao đổi kỹ thuật, các chuyên gia Trung Quốc xác nhận trong số 23 cơ sở đóng gói có 13 cơ sở gói đáp ứng các yêu cầu của nghị định thư, 10 cơ sở đóng gói còn lại còn có các vấn đề cần khắc phục như: hệ thống quản lý chưa đạt tiêu chuẩn, thiết bị chưa hoàn chỉnh, thông số kỹ thuật không tốt hoặc cơ sở vật chất không đáp ứng các yêu cầu của nghị định thư.
Trong số 70 vùng trồng khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, tỉnh Vĩnh Long có nhiều mã số vùng trồng nhất với 27 mã; tiếp đó là Đồng Tháp 22 mã số vùng trồng; Gia Lai có 18 mã được phép xuất khẩu sang Trung Quốc; Quảng Ninh, Thanh Hóa, Long An mỗi tỉnh 1 mã vùng trồng.
Danh sách 13 cơ sở đóng gói và 70 vùng trồng khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng yêu cầu đã được đăng trên trang webite của Cục Kiểm dịch Động thực vật thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc http://dzs. customs.gov.cn.
Căn cứ vào danh sách này, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành thực hiện công tác kiểm dịch trước xuất khẩu và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các yêu cầu của quy trình sản xuất, chế biến.
Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã công bố danh sách 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc
Tháng 11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với sản phẩm khoai lang. Liền đó, cơ quan này ra thông báo về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, sản phẩm khoai lang tươi của Việt Nam đáp ứng yêu cầu kiểm dịch chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo yêu cầu của cơ quan chức năng Trung Quốc, các sản phẩm khoai lang của Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quản lý, giám sát trước khi xuất khẩu, bao gồm các yêu cầu về trồng trọt và giám sát, chế biến, bảo quản, đóng gói và vận chuyển.
Khoai lang ngay sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt,không để chung với khoai lang xuất khẩu sang các thị trường khác và khoailang chưa được làm sạch hoặc chưa được kiếm tra.
Trên mỗi hộp khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký tương ứng.
Các lô hàng khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc, phải được cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra ngẫu nhiên với tỷ lệ 2% tổng trọng lượng. Các lô hàng đạt yêu cầu, được cấp chứng nhận kiểm dịch thực vật theo tiêu chuẩn quốc tế, với các thông tin về cơ sở trồng trọt, doanh nghiệp chế biến, mã số đăng ký, sẽ được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, qua các cửa khẩu được chỉ định, có khu vực giám sát, quản lý đối với lương thực nhập khẩu.
Khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc
Ngày 23/11/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ra thông báo về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, sản phẩm khoai lang tươi của Việt Nam đáp ứng yêu cầu kiểm dịch chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Các sản phẩm khoai lang tươi được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, có tên la-tinh là ipomoea batatas, tên tiếng Anh là sweet potato, có nguồn gốc sản xuất từ Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc không dùng vào mục đích trồng trọt.
Như vậy, khoai lang là loại nông sản thứ 12 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau 11 loại quả gồm: Thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải và sầu riêng.
Để bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ sở trồng trọt và chế biến khoai lang phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ thẩm định danh sách doanh nghiệp do cơ quan chức năng Việt Nam cung cấp và công bố, cập nhật thường xuyên trên website chính thức của mình.