ABBank sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE

Sáng 28/4, Ngân hàng Thương mại An Bình (ABBank, mã chứng khoán: ABB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên để thông qua kết quả kinh doanh năm 2022, kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, tăng vốn điều lệ, bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị…

ngân hàng ABBANK

Tại đại hội, bà Lê Thị Bích Phượng, quyền Tổng giám đốc ngân hàng ABBank cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng ABBANK đạt 131.504 tỷ đồng, tăng 22% so cuối năm 2021.

Trong đó, dư nợ tín dụng ghi nhận con số 88.529 tỷ đồng, tương đương tăng 12,6% so cùng kỳ. Huy động từ khách hàng đạt 91.837 tỷ đồng, tăng 15,9% năm 2021. Số dư CASA cũng tăng 6% so cùng kỳ đạt 12.614 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính cả năm 2022, ngân hàng ABBANK đạt 1.686 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Theo báo cáo của Hội đồng quản trị, ngân hàng ABBank đã không đạt được nhiều chỉ tiêu kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Giải trình về nguyên nhân, lãnh đạo ABBank cho biết, thị trường năm 2022 biến động, nhiều yếu tố tiêu cực, bất ổn gây ảnh hưởng đến mảng kinh doanh nguồn vốn. Cụ thể là trái phiếu chính phủ do mặt bằng lãi suất thị trường tăng mạnh, thanh khoản hạn chế dẫn tới danh mục trái phiếu chính phủ bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó, năm vừa qua ngân hàng phát sinh chi phí bồi thường khi chấm dứt hợp tác bán bảo hiểm nhân thọ với đối tác cũ không đảm bảo quyền lợi cho ngân hàng ABBank. Chi phí thanh toán theo thỏa thuận chấm dứt hợp tác phân phối bảo hiểm là 240,4 tỷ đồng.

Những yếu tố này là nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận toàn hệ thống ABBank trên 1.000 tỷ đồng, trong khi chưa có giải pháp hiệu quả về nguồn thu thay thế để bù đắp. Một số chỉ tiêu quy mô, hiệu quả còn khoảng cách tương đối so với các chỉ tiêu định hướng của kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021-2025.

Trong khi phải trả khoản bồi thường khi chấm dứt hợp đồng với đối tác cũ trước hạn, ngân hàng ABBank chưa có sự chuyển đổi liên tục trong hợp tác với đối tác kinh doanh bảo hiểm mới dẫn đến không có doanh thu phí bảo hiểm năm qua.

Theo tìm hiểu, ngân hàng ABBank và Công ty Bảo hiểm FWD chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm có thời hạn 15 năm tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đến 2022, mối hợp tác này đã chính thức kết thúc. Thay vào đó, tháng 12/2022, ABBank có đối tác mới khi công bố hợp tác chiến lược với Dai-ichi Life Việt Nam.

Đáng chú ý, năm 2022, ngân hàng ABBANK mua lại toàn bộ số trái phiếu VAMC, xử lý dứt điểm một số khoản nợ xấu cũ tồn đọng. Tính đến 31/12/2022, ABBank đã xử lý, thu hồi được 2.629 tỷ đồng nợ xấu và nợ có vấn đề, đạt 138,4% kế hoạch năm (1.900 tỷ đồng). Ngân hàng không còn dư nợ trái phiếu VAMC.

Căn cứ kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022, Hội đồng quản trị ngân hàng ABBank đã thông qua việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận với lợi nhuận sau thuế năm 2022 của ABBank là 1.353 tỷ đồng.

Ngân hàng ABBank dự kiến sẽ trích 5% cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; 10% cho quỹ dự phòng tài chính; 2% tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi. Sau khi trích lập các quỹ cộng lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, tổng lợi nhuận còn lại chưa phân phối là gần 2.483 tỷ đồng.

Lợi nhuận còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 20/4/2022 là gần 940,95 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận còn lại chưa phân phối sau khi chia cổ tức là gần 1.542 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 10/4, Hội đồng quản trị ABBank đã có quyết định về thời gian triển khai phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo phương án tăng vốn điều lệ theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 20/4/2022. Theo đó, trong quý 2 hoặc quý 3/2023, ABBank sẽ phát hành gần 94,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 10%.

Ngày 27/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo đã nhận đủ tài liệu phát hành cổ phiếu trả cổ tức của ABBank.

Tại đại hội, Hội đồng quản trị đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, với những tiêu chí quan trọng. Cụ thể, ngân hàng ABBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 136.816 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế tăng 68% so với năm 2022, đạt 2.826 tỷ đồng.

Huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 93.508 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng ước đạt 97.382 tỷ đồng, tăng 10%. Room tín dụng sẽ được thay đổi từng thời kỳ theo sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 3%.

Thêm vào đó, ABBank cũng dự kiến đưa chỉ số CASA bình quân lên 19,53%, tăng trưởng 30% so với năm 2022 và giảm tỷ lệ CIR 9,4% so với mức của năm 2022, kỳ vọng giữ ở mức 34,5%.

Định hướng năm 2023, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, ngân hàng ABBank đang triển khai xây dựng đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 căn cứ định hướng chiến lược, thực tiễn của ngân hàng và yêu cầu, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, ngân hàng sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) khi điều kiện thị trường thuận lợi theo quyết định cụ thể của Hội đồng quản trị.

Đồng thời, triển khai thực hiện phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP) theo phương án tăng mức vốn điều lệ ABBank đã được thông qua theo Nghị quyết cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 khi cần thiết và phù hợp với nhu cầu của ngân hàng.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về kế hoạch dự phòng trong trường hợp doanh thu bảo hiểm không đạt mục tiêu, ông Kháng cho biết, năm 2023, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước kiểm soát hoạt động bảo hiểm, chiến lược của ABBank là lấy khách hàng làm trọng tâm. Ngân hàng không ép buộc khách hàng mua sản phẩm nếu khách hàng không muốn mua.

Ngân hàng đang có khối mới là khối thúc đẩy bán, công cụ mới đoán trước nhu cầu của khách hàng, đội ngũ chỉ tập trung vào khách hàng có nhu cầu và chào bán sản phẩm bảo hiểm.

"Chúng tôi không đợi lúc khách hàng khó khăn để ép khách hàng mua sản phẩm dịch vụ mà mong muốn mang lại giá trị cho khách hàng, khác so với từ trước đến nay là bán sản phẩm đồng loạt", ông Kháng nhấn mạnh.

Về nhân sự, cổ đông ABBank đã thông qua số lượng thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2023-2027. Cụ thể, Hội đồng quản trị sẽ bao gồm 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Ban Kiểm soát sẽ gồm 3 thành viên, trong đó có 2 thành viên chuyên trách.

Danh sách đề cử vào Hội đồng quản trị gồm có: ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông John Chong Eng, ông Foong Song Yew, ông Nguyễn Danh Lương là Thành viên Hội đồng quản trị; bà Đỗ Thị Nhung, ông Trần Bá Vinh là Thành viên độc lập Hội đồng quản trị.

Về Ban kiểm soát, bà Nguyễn Thị Hạnh giữ chức vụ Trưởng Ban kiểm soát; bà Phạm Thị Hằng và bà Nguyễn Thị Thanh Thái là Thành viên Ban kiểm soát.

anh-chup-man-hinh-2023-04-28-luc-11-04-47.jpgChốt phiên giao dịch sáng ngày 28/4, thị giá tạm dừng lại ở mức 8.500 đồng/cổ phiếu.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch sáng ngày 28/4, thị giá tạm dừng lại ở mức 8.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá ngân hàng vào khoảng 8.000 tỷ đồng.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.