ADB: Bất ổn ngành ngân hàng gây rủi ro cho điều kiện tài chính Đông Á

Các điều kiện tài chính tại khu vực châu Á mới nổi đã chịu tác động bởi sự không chắc chắn trong chính sách tiền tệ của Mỹ và cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây…

điều kiện tài chính châu Á

Khu vực Đông Á mới nổi đã ghi nhận các điều kiện tài chính được cải thiện trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11/2022 đến đầu tháng 3/2023 khi rủi ro suy thoái và áp lực giảm pháp giảm bớt. Tuy nhiên, sự không chắc chắn đối với chính sách tiền tệ của Mỹ và cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây đã gây suy yếu tình hình trong cuối quý đầu năm, trích dẫn báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Ấn bản mới nhất của báo cáo trình bày kết quả của cuộc Khảo sát Thanh khoản thị trường trái phiếu AsianBondsOnline 2022, trong đó nhận thấy tính thanh khoản chung đã suy yếu trong năm ngoái.

Từ tháng 12/2022 tới tháng 1/2023, những điều kiện bất lợi về kinh tế suy giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã tạo đà tăng cho các thị trường vốn cổ phần, thu hẹp phí bảo hiểm rủi ro, củng cố các đồng tiền và thúc đẩy dòng vốn đầu tư gián tiếp vào khu vực.

Nhưng từ tháng 2 tới đầu tháng 3, các điều kiện tài chính của khu vực bị suy yếu.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Sự bất ổn gần đây trong hệ thống ngân hàng của Mỹ và châu Âu đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc có đủ vùng đệm thanh khoản trong bối cảnh các điều kiện tài chính bị thắt chặt”.

“Bảng cân đối kế toán của các công ty bị suy yếu khi giá trị tài sản giảm do lãi suất tăng. Căng thẳng thanh khoản có thể xảy ra khi các công ty không thể tái cấp vốn để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính một cách kịp thời”, ông Albert Park giải thích thêm.

Lượng phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ trong khu vực giảm 6,7% trong quý 4 năm 2022 xuống còn 2,2 nghìn tỉ USD. Cả phân khúc trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp đều chứng kiến sự sụt giảm trong khối lượng phát hành so với quý cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là các chính phủ đã hoàn thành phần lớn nhu cầu vay mượn trong Quý 3 và các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp tìm cách tránh chi phí vay đang gia tăng.

Tăng trưởng của thị trường trái phiếu bền vững trong khu vực ASEAN, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) đã chậm lại ở mức 36,7%, nhưng vẫn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của thị trường trái phiếu. Tổng lượng trái phiếu bền vững trong khu vực ASEAN+3 đạt 589,3 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Trong khi đó, tăng trưởng của thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam được đẩy nhanh, đạt 6,5% so với quý trước nhờ gia tăng phát hành trái phiếu kho bạc và trái phiếu có bảo lãnh chính phủ. Tính chung cả năm, thị trường đã tăng 19,6%, đạt 105,7 tỷ USD vào cuối tháng 12/2022.

Tổng lượng trái phiếu chính phủ tăng 9,9% lên 74,8 tỷ USD. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp giảm 0,9% so với quý trước. Điều này là bởi các tổ chức phát hành tiếp tục mua lại trái phiếu cũng như sự sụt giảm lượng phát hành trong bối cảnh thắt chặt quy định sau khi Nghị định 65 ra đời. Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành là 30,9 tỷ USD.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.