Ngay giữa trung tâm TP Thủ Dầu Một, khu đất rộng khoảng 24ha đang rơi vào tình trạng quy hoạch “treo” suốt 14 năm, khiến hàng trăm hộ dân nơi đây “sống lay lắt” trong những ngôi nhà xập xệ, đi không được mà ở cũng chẳng xong...
Ngay giữa trung tâm TP Thủ Dầu Một, khu đất rộng khoảng 24ha đang rơi vào tình trạng quy hoạch “treo” suốt 14 năm, khiến hàng trăm hộ dân nơi đây “sống lay lắt” trong những ngôi nhà xập xệ, đi không được mà ở cũng chẳng xong...
Người dân sống trong khu vực này bức xúc gọi đây là dự án “5 không”: Không công bố quy hoạch, không thương lượng, không hỗ trợ, không tái định cư và ngay cả đổi đất thổ cư lấy đất nền cũng không.
Qua "hai đời" chủ đầu tư, dự án vẫn “án binh bất động”?
Trước khi UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định quy hoạch chi tiết Khu dân cư Vĩnh Phú, thì năm 1999, Công ty Vũ Kiều đã tiến hành đo, kiểm kê tài sản, ký hợp đồng đổi đất với các hộ dân. Nhiều hợp đồng đã được ký theo tỷ lệ, đổi 12m2 đất nông nghiệp lấy 1m2 đất nền. Công ty cam kết năm 2002 giao đất. Hộ nào lấy tiền thì trả 55.000 – 90.000đ/m2.
Dự án khu dân cư Thủ Dầu Một Thế Kỷ 21 được tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty TNHH Xây Dựng - Đầu tư - Kinh doanh địa ốc Tân Vũ Minh đầu tư từ năm 2007.
Ba năm sau, năm 2002, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 629, phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu dân cư Vĩnh Phú, diện tích 49,14ha, đồng thời chấp thuận việc hợp tác xây dựng giữa Công ty Xây dựng - đầu tư - kinh doanh địa ốc Tân Vũ Minh (Công ty Tân Vũ Minh) và Xí nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh địa ốc 559 (nay là Công ty 799). Tháng 8/2002, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 4982/QÐ-UBND về việc quy định đơn giá bồi thường trợ cấp thiệt hại đối với khu dân cư này.
Không rõ vì lý do gì, năm 2005, Xí nghiệp 559 rút hợp tác đầu tư, vì vậy, tháng 12/2005, trong quyết định phê duyệt xây dựng chi tiết Khu dân cư nhà vườn Tân Vũ Minh chỉ còn 26,3ha, gồm 202 căn biệt thự, 578 căn nhà phố liên kế, hai khu chung cư. Tháng 3/2006, tỉnh Bình Dương mới ban hành Quyết định số 1559/QÐ-UBND về việc thu hồi đất của các hộ dân tại xã Vĩnh Phú, giao và cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Vũ Minh.
Năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận giao Công ty TNHH Xây dựng Đầu tư Kinh doanh địa ốc Tân Vũ Minh (Công ty Tân Vũ Minh) thực hiện đầu tư dự án khu dân cư Thủ Dầu Một Thế Kỷ 21. Thời điểm này nhiều người dân trong khu đất vui mừng vì khu đất gần như bỏ hoang này sẽ được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống người dân được nâng cao.
Khu đất dự án có vị trí đắc địa tại trung tâm phường Phú Cường của TP Thủ Dầu Một, diện tích 24ha. Xung quanh dự án là các trục đường chính như Quốc lộ 13, Yersin, Thích Quảng Đức; gần nhiều tiện ích như Bưu điện Bình Dương, bệnh viện Phục hồi chức năng Bình Dương...
Đến năm 2015, dự án không triển khai được vì thu hồi đất chậm nên doanh nghiệp kiến nghị tỉnh thu hồi và được chấp thuận.
Năm 2015, Công ty Tân Vũ Minh không triển khai được dự án vì thu hồi đất quá chậm. Tháng 6/2015, Công ty Tân Vũ Minh có văn bản kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án và đã được chấp thuận. Sau khi thu hồi dự án của Công ty Tân Vũ Minh, UBND tỉnh thống nhất phương án quy hoạch khu đất này thành dự án Công viên Phú Cường với quy mô hơn 23 ha gồm khu nhà ở tái định cư và Công viên Phú Cường. Đồng thời cảnh báo tất cả các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai ở đây đều trái pháp luật.
Tuy nhiên, sau đó dự án Công viên Phú Cường cũng tiếp tục chậm tiến độ, chưa triển khai với lý do chưa có sự thống nhất ranh giới quy hoạch và vị trí khu tái định cư nên không thể lập quy hoạch chi tiết 1/500 nên lâm vào “bế tắc”.
Đầu năm 2020, Công ty Tân Vũ Minh có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép đơn vị tìm đối tác để tiếp tục thực hiện dự án. UBND tỉnh liên tục gia hạn để công ty tìm đối tác nhưng đến nay vẫn chưa có phương án triển khai để báo cáo UBND tỉnh.
Dự án “5 không”!
Người dân trong khu vực bức xúc gọi đây là dự án “5 không”: Không công bố quy hoạch, không thương lượng, không hỗ trợ, không tái định cư và ngay cả đổi đất thổ cư lấy đất nền cũng không. Áp giá đền bù rẻ mạt, tự ý thuê hút cát san lấp ruộng vườn của nhiều hộ dân vào ban đêm. Hậu quả là, hàng chục nghìn m2 đất bị san lấp loang lổ, các thửa ruộng, vườn không thể canh tác, ao không thể nuôi cá, vì bị ô nhiễm...
UBND huyện Thuận An nay là thị xã Thuận An ban hành nhiều văn bản được cho là bất lợi cho người dân. Theo quy định của Luật Ðất đai, khi thu hồi đất sử dụng vào mục đích kinh doanh bất động sản, không nhằm mục đích phục vụ lợi ích toàn dân, lợi ích công cộng, quốc phòng an ninh, thì chủ đầu tư phải thoả thuận với người dân về phương án và đơn giá đền bù hỗ trợ tái định cư cho người dân bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi.
14 năm chịu cảnh quy hoạch treo, người dân không thể xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà cửa. Nhiều ngôi nhà xuống cấp, tồi tàn.
Quy định rõ thế, nhưng việc áp dụng lại rất tù mù, viện dẫn theo chiều bất lợi cho người có đất, đó là chưa kể "lời nói gió bay" của nhà đầu tư.
Về giá đền bù, ngay từ tháng 8/2002, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 4928/QÐ-UBND về giá đền bù đất nông nghiệp là 240.000đ/m2. Tuy nhiên phải bảy năm sau, tháng 8/2009, UBND xã Vĩnh Phú mới công bố về giá đền bù. Không biết chính quyền địa phương, chủ đầu tư giải thích thế nào, khi bảy năm sau mới công khai giá đền bù và tiền hỗ trợ đến các hộ dân?
Lẽ ra, việc thỏa thuận bồi thường phải do Công ty Tân Vũ Minh và các hộ dân thỏa thuận, thì UBND huyện lại can thiệp bằng các quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế giải tỏa... chưa thấu tình đạt lý. Chẳng hạn, lúc đầu Công ty Tân Vũ Minh chỉ đưa ra giá 90.000 – 100.000đ/m2 đất, khi các hộ dân phản ứng, công ty nâng giá cao dần, sau đó đưa ra giá 650.000đ/m2. Hiện tại, hàng chục hộ dân tại dự án này vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng về giá đền bù đất và thiệt hại hoa màu.
Tài nguyên đất đang bị lãng phí, tỉnh không có công trình xây dựng, đô thị không được chỉnh trang... Đặc biệt, người dân không được “giải phóng” khỏi cảnh quy hoạch “treo”, cuộc sống khó khăn trăm bề...
Nhà cửa xuống cấp, ẩm thấp không được sửa chữa, nâng cấp, đất không được phép chuyển nhượng, cầm cố vay vốn làm ăn cũng không xong, một số hộ dân đã giao đất theo chủ trương chung của tỉnh để nhận nền tái định cư nhưng mãi nền tái định cư vẫn chưa thấy đâu, số đã nhận cũng không được xây cất, đành ra ở trọ cả chục năm nay...
Trong khi đó, chỉ cách nơi sinh sống “tồi tàn” của bà con ở dự án “treo” vài trăm mét là phố xá hoa lệ, hai cảnh sống đối lập ngay giữa trung tâm TP Thủ Dầu Một.
Vừa qua, UBND tỉnh đã thành lập Tổ 4038 rà soát lại tất cả những vấn đề liên quan và sau đó khẳng định dự án Thủ Dầu Một Thế Kỷ 21 không thể tiếp tục được. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng đã làm việc để có phương án hỗ trợ cho Công ty Tân Vũ Minh nhưng chủ đầu tư này chưa đồng ý.
“UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư, về mặt pháp lý thì Công ty Tân Vũ Minh không còn quyền gì tại dự án này cả", ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định.
Hiện tỉnh Bình Dương đang có phương án tổ chức điều chỉnh quy hoạch, sau đó sẽ tổ chức đấu thầu để tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch mới. TP Thủ Dầu Một đang rà soát, thực hiện các bước liên quan để đưa ra đấu thầu.
Vậy UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư, về mặt pháp lý thì Công ty Tân Vũ Minh không còn quyền gì tại dự án nhưng vào tháng 1/2022, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã thông báo xử lý khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng – Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Tân Vũ Minh (Công ty Tân Vũ Minh). Trong đó, Công ty Địa ốc Tân Vũ Minh nợ ngân hàng 312 tỷ đồng trong đó dư nợ gốc là hơn 122 tỷ đồng, lãi trong hạn là 135,8 tỷ đồng, lãi quá hạn là hơn 53 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ này bao gồm 2 dự án đang triển khai dở dang là quyền sử dụng đất có tổng diện tích 65.689m2 trong khu dân cư nhà vườn Tân Vũ Minh (thuộc phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) và quyền sử dụng đất có diện tích 36.692m2 trong dự án Thủ Dầu Một Thế Kỷ 21 (thuộc phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Vậy là một mớ bòng bong lại nổi lên, không biết đến bao giờ người dân sống trong diện quy hoạch mới thoát cảnh “sống lay lắt” trong những ngôi nhà xập xệ, đi không được mà ở cũng chẳng xong!
Nói về dự án này, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định, năm 2016, UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương dự án của Công ty Tân Vũ Minh.
“Tuy nhiên, do chủ đầu tư đã bỏ ra số vốn khá lớn để đền bù đất đai nên sau đó UBND tỉnh đã cho Công ty Tân Vũ Minh liên hệ với một nhà đầu nào đó đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để liên danh. Thế nhưng, suốt thời gian dài điều này không thực hiện được”, ông Lê Quang Vinh nêu lý do.