Bùng nổ kinh tế Ấn Độ: Doanh nghiệp nhỏ lao đao trước “sóng lớn”

Trong thời điểm tăng trưởng bùng nổ tại Ấn Độ, các công ty lớn nhanh chóng giành được thị phần trong khi những doanh nghiệp nhỏ lại ngày càng suy kiệt do tính kinh tế theo quy mô và cách công nghệ đã thay đổi toàn bộ “cuộc chơi”…
an-do-5779.jpg

Tại một hội nghị doanh nghiệp nhỏ và vừa được tổ chức gần đây ở Mumbai (Ấn Độ), đã có nhiều thảo luận về bữa trưa buffet của sự kiện thay vì những chương trình nghị sự đưa ra ban đầu. Không khí lần này khác hẳn với của giọng điệu lạc quan trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, theo đó ca ngợi các sáng kiến của chính phủ nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ tối đa hóa thời điểm Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Mở đầu Hội nghị Thượng đỉnh, ông Sunil Kant Munjal, chủ tịch Liên đoàn và cũng là người đừng đầu Công ty sản xuất xe hai bánh Hero MotorCorp, nhấn mạnh: “Để Ấn Độ phát triển theo cấp số nhân, chúng ta cần các doanh nghiệp nhỏ trưởng thành thành công ty lớn trong thập kỷ tới”.

Tuy nhiên, một số người tham dự và thành viên liên đoàn liên tục nhắc lại quan điểm của nhiều nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng của Ấn Độ và sự mở rộng nhanh chóng của các tập đoàn lớn đã che khuất đi những áp lực vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ.

MẤT CÂN BẰNG TRONG TĂNG TRƯỞNG CHUNG

Theo dự báo của IMF, tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm nay là 6,1%. Nhưng quốc gia 1,4 tỷ dân đã nổi lên từ thời điểm đại dịch với hướng phục hồi kinh tế theo hình chữ K: thu nhập và chi tiêu của người giàu đã tăng lên trong khi những người có ít nguồn lực hơn lại gặp khó khăn.

Và trong bối cảnh đó, một số nhà kinh tế lo ngại rằng các tập đoàn kinh doanh khổng lồ – từ Reliance Industries của Mukesh Ambani đến Tập đoàn Tata nổi tiếng – đã giành được thị phần và quyền lực lớn hơn cả, khiến các nhóm nhỏ khó có khả năng để cạnh tranh và sinh tồn trong nền kinh tế.

rajasthan-jodhpur-sardar-market-side-streets-apr-2004-02-474.jpg

Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ chiếm phần lớn trong lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ. Phân khúc này – chính thức được gọi là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) - cung cấp khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước, tạo ra 36% sản lượng quốc gia và chịu trách nhiệm cho gần 45% xuất khẩu của Ấn Độ. Có 18,9 triệu doanh nghiệp như vậy tại Ấn Độ với lực lượng lao động vào khoảng 129 triệu người.

Nhưng những doanh nghiệp MSME đã phải hứng chịu một loạt cú sốc trong vài năm qua, bao gồm cả quyết định của Thủ tướng Narendra Modi về việc loại bỏ các tờ tiền có giá trị cao chỉ sau một đêm, thuế quốc gia mới và dịch Covid-19 đã xóa sổ hàng nghìn doanh nghiệp và hàng triệu việc làm.

Theo phân tích của nhà quản lý quỹ Marcellus có trụ sở tại Mumbai về dữ liệu dành cho các doanh nghiệp niêm yết, có 20 công ty chiếm 80% lợi nhuận được tạo ra trong năm kinh doanh 2022 tại Ấn Độ, cao gấp đôi tỷ lệ lợi nhuận 10 năm trước đó. Ngược lại, trong một cuộc khảo sát vào tháng 2 với hơn 100.000 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ, 3/4 số người được hỏi cho biết họ không có lãi và 1/3 cho biết hiệu quả kinh doanh của họ đã giảm trong 5 năm qua.

Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Nhật Bản Nomura tại Ấn Độ và châu Á (trừ Nhật Bản) cho biết, việc các công ty lớn mở rộng nhanh hơn đang làm cho tăng trưởng tổng thể trở nên mất cân bằng hơn.

“Các công ty lớn hơn đã giành được thị phần và các công ty nhỏ hơn thực sự đã thua cuộc vì tính kinh tế theo quy mô và cách công nghệ đã biến đổi toàn bộ hệ thống”, bà Dhananjay Sinha, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Systematix, một công ty dịch vụ tài chính ở Mumbai khẳng định.

india-small-business-manohar-wagle-2-by-tish-sanghera-133.jpg

DOANH NGHIỆP NHỎ CHỊU THIỆT THÒI

Vào tháng 7 vừa qua, các nhà phân tích tại Société Générale phát hiện ra rằng thị phần của các doanh nghiệp nhỏ – những doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 5 tỷ rupee (khoảng 60 triệu USD) – đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Sử dụng dữ liệu của ngân hàng trung ương, ông Kunal Kundu của Société Générale cho biết tỷ trọng tổng doanh số bán hàng ở Ấn Độ từ các doanh nghiệp nhỏ đã giảm xuống dưới 4% vào quý đầu tiên của năm tài chính 2023, từ mức khoảng 7% trước năm 2014. Tương tự như vậy, tỷ trọng xuất khẩu của phân khúc này cũng đã giảm từ 49,4% trong năm kinh doanh 2019-2020 xuống còn 43,6% trong năm 2022-2023.

Theo ông Kundu, doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ nhìn chung đã liên tục thu hẹp. Sử dụng cùng một bộ dữ liệu bắt đầu từ năm 2011, ông Kundu chỉ ra rằng doanh số bán hàng cho các công ty có doanh thu dưới 5 tỷ rupee đều đã chững lại, ngoại trừ thời điểm mở rộng ngắn hạn sau đại dịch.

Trong thời kỳ khó khăn, doanh nghiệp nhỏ chịu thiệt hại nhiều hơn doanh nghiệp lớn và sau đó không được hưởng lợi nhiều khi mọi việc trở nên thuận lợi hơn.

Những người ủng hộ cho rằng chính phủ đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, điển hình như các chương trình nâng cao kỹ năng và xóa nợ trong thời kỳ đại dịch cho đến các kế hoạch cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng. Doanh nghiệp nhỏ cũng được hưởng lợi rất nhiều từ việc Ấn Độ chuyển sang thanh toán kỹ thuật số.

Nhiều ý kiến lại cho rằng, dù doanh nghiệp nhỏ có đứng trước cơ hội nhưng họ lại phải đối mặt với áp lực từ giá cả, cạnh tranh và quan liêu, những điều có thể đang được cải thiện nhưng vẫn còn lộn xộn.

1103122-492.jpg

Một nhà tư vấn trong chính Hội nghị Thượng đỉnh của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ đã phàn nàn rằng các nhà sản xuất lớn đã “chơi ván bài giá cả” trong ba năm qua, buộc các công ty nhỏ phải cắt giảm chi phí hơn nữa. Tương tự, một xưởng sản xuất may mặc cho biết cô đang cân nhắc việc từ bỏ ngành thời trang bình dân khi các tập đoàn như Reliance và các nhà bán lẻ toàn cầu như Zara đổ xô vào phân khúc này.

Sandeep Naolekar, giám đốc điều hành của Darling Pumps và chủ tịch tiểu ban khu vực phía Tây của CII về doanh nghiệp nhỏ, cho biết: “Với vận mệnh của các doanh nghiệp lớn và nhỏ của Ấn Độ hiện rất khác nhau, nền kinh tế của Ấn Độ đang đứng trước một thời điểm quan trọng. Và trong một thị trường toàn cầu hóa, vấn đề quan trọng nhất ở đây là sự tồn tại, tăng trưởng và tạo ra di sản”.

Tin liên quan

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Chọn mặt gửi vàng

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Chọn mặt gửi vàng

Các chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn hiện nay sẽ không còn dễ dàng. Nhà đầu tư phải cân nhắc, chọn lựa trái phiếu của những doanh nghiệp uy tín, phát hành minh bạch, chiến lược kinh doanh ổn định, hoạt động hiệu quả...
Thế trận “tiến thoái lưỡng nan” của bất động sản

Thế trận “tiến thoái lưỡng nan” của bất động sản

Các doanh nghiệp bất động sản vừa khan hiếm dòng vốn, lại vừa đối diện với niềm tin thị trường chưa hoàn toàn hồi phục. Vì vậy, việc mở rộng hoạt động kinh doanh hay tiếp tục “phòng thủ” và chờ đợi là những câu hỏi đầy thách thức đối với các doanh nghiệp...
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.