Chứng khoán Mỹ đóng cửa trái chiều vào 29/9 khi các nhà đầu tư tiếp tục nghiền ngẫm báo cáo lạm phát tháng 8 và đánh giá tác động của dữ liệu đối với chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang…
Kết thúc phiên 29/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 158,84 điểm (-0,47%) xuống 33.507,5 điểm, S&P 500 mất 11,65 điểm (-0,27%) còn 4.288,05 điểm và Nasdaq Composite tăng 18,05 điểm (+0,14%) lên 13.219,32 điểm.
Trong số các lĩnh vực thuộc S&P 500, năng lượng giảm khoảng 2% và tài chính giảm 0,9%. Cho đến nay, năng lượng vẫn là lĩnh vực có mức tăng trưởng tốt nhất trong quý 3.
Trong tháng 9, S&P 500 giảm 4,9%, Dow Jones giảm 3,5% và Nasdaq mất 5,8%.
Trong quý, S&P 500 trượt khoảng 3,6%, Dow Jones mất 2,6% còn Nasdaq giảm 4,1%.
S&P 500 và Nasdaq có mức giảm phần trăm hàng tháng lớn nhất trong năm, trong khi cả ba chỉ số chính đều có quý giảm đầu tiên vào năm 2023.
Ở các diễn biến riêng lẻ, nhiều “ông lớn” công nghệ - vốn chịu ảnh hưởng do lợi suất trái phiếu kho bạc tăng trong những tuần gần đây - có xu hướng giao dịch trái chiều trong phiên cuối tháng 9, trong đó Alphabet và Meta Platforms đều giảm hơn 1% còn Amazon, Microsoft và Apple ghi nhận mức tăng nhẹ.
Nhìn chung, cổ phiếu công nghệ kết thúc quý thấp hơn gần 6%.
Cổ phiếu Nike tăng 6,7% sau khi nhà sản xuất đồ thể thao lớn nhất thế giới vượt ước tính của Phố Wall về lợi nhuận quý đầu tiên.
Khoảng 11,3 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ, cao hơn so với mức trung bình 10,4 tỷ trong 20 phiên vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu mới công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, không bao gồm các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 8. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn hai năm chỉ số này tăng dưới mức 4%.
Nhiều cổ phiếu đã tăng điểm sau tin tức mới nhưng rồi lại đảo chiều vào cuối phiên.
Eric Freedman, giám đốc đầu tư tại U.S. Bank Asset Management cho biết, dữ liệu cho thấy bức tranh lạm phát tốt hơn dự kiến nhưng vẫn tăng cao.
Dữ liệu lạm phát của tháng 8 được phát hành sau triển vọng lãi suất dài hạn của Fed vào tuần trước - từng khiến chứng khoán chao đảo khi lợi suất trái phiếu kho bạc chuẩn tăng lên mức cao nhất trong 16 năm.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao tình hình tại Washington. Đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn tại Hạ viện Mỹ đã bác bỏ đề xuất tạm thời tài trợ cho chính phủ, khiến tất cả gần như chắc chắn rằng các cơ quan liên bang sẽ phải đóng cửa một phần bắt đầu từ 1/10.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô tiếp tục giảm vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 9 do lo ngại ngày càng tăng về cách thế giới có thể đối phó với chi phí năng lượng tăng cao trong những tháng tới, ngay cả khi nền kinh tế Mỹ và lạm phát dường như đã thoát khỏi viễn cảnh tồi tệ nhất.
Dầu Brent kỳ hạn tháng 12 ổn định ở mức 92,20 USD/thùng, giảm 90 cent tương đương 1% trong ngày. Điểm chuẩn dầu thô toàn cầu đã tăng 0,3% trong tuần, 6,8% trong tháng và 23% trong quý. Giá dầu Brent chứng kiến mức cao nhất trong 10 tháng là 95,35 USD/thùng vào ngày 28/9.
Dầu thô WTI kỳ hạn tháng 11 giảm 92 cent tương đương 1% xuống 90,79 USD/thùng. Mặc dù giảm trong ngày nhưng WTI lại tăng 0,8% trong tuần, tăng 8,5% trong tháng và tăng 26,5% trong quý. Dầu Brent đạt mức cao nhất trong 13 tháng là 95,03 USD/thùng vào ngày 28/9.
Ed Moya, nhà phân tích tại sàn giao dịch trực tuyến OANDA cho biết: “Sau một tuần, tháng và quý tuyệt vời, các nhà giao dịch đã sẵn sàng để chốt lời bởi họ đã nhanh chóng nhận ra đây không phải là lúc giá dầu có thể vượt trên mức 100 USD/thùng, vì vậy cần phải thận trọng hơn”.