Trước những áp lực đặt ra, nền kinh tế Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng cao nếu kịp thời tận dụng những cơ hội từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng như các động thái điều hành chính sách tiền tệ của FED.
Duy trì được tỷ lệ lạm phát dưới mức trần, đạt được tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục, nền kinh tế Việt Nam được nhận định là tương đối thành công trong năm 2022. Tuy nhiên, những khó khăn đã bộc lộ ngay từ quý cuối cùng của năm và dự kiến sẽ tiếp diễn trong năm 2023, khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% được đánh giá là khá thách thức.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở để tin tưởng vào mức tăng trưởng cao trong năm 2023. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, nhiều yếu tố có thể coi là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023, có thể kể đến như chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 – 2023; đầu tư công; nền tảng vĩ mô ổn định; kinh tế số, kinh tế xanh được thúc đẩy; thể chế được tiếp tục hoàn thiện…
Trong đó, đặc biệt phải kể đến một nhân tố, không chỉ được xem là động lực lớn cho kinh tế Việt Nam mà còn là điểm sáng đặc biệt nhất cho nền kinh tế toàn cầu, là sự kiện Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế. Dự kiến, những lĩnh vực bao gồm nông nghiệp, du lịch và xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ sự kiện này.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, dự đoán, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ tạo ra tác động tích cực cho Việt Nam trong giai đoạn kể từ quý II/2023. Ông Thành lý giải, Trung Quốc sẽ cần phải mất một khoảng thời gian để giải quyết những khó khăn trong giai đoạn đầu thay đổi chính sách.
“Khi Trung Quốc tự tin hơn vào chính sách mở cửa, sẽ có cơ hội cho ngành xuất khẩu và du lịch của Việt Nam”, vị chuyên gia đến từ Đại học Fulbright nhận định.
Chủ động nắm bắt những cơ hội
Không bác bỏ những tác động thiếu tích cực từ sự kiện Trung Quốc tái mở cửa, tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhìn nhận, sự kiện này có thể tạo ra cả những “làn gió ngược”, đặc biệt khi doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông Cường nhận định, Việt Nam cần phải khắc phục được vấn đề nội tại của nền kinh tế, ví dụ như sự thiếu tính liên kết giữa thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Điểm yếu này thể hiện rõ khi trong những tháng cuối năm, cầu tiêu dùng nội địa tăng nhưng chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) suy giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm. Chuyên gia của ADB chỉ ra điều này đến chính sự mất cân đối trong nền kinh tế, khi hoạt động xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào nhóm doanh nghiệp FDI.
Ông Thành chỉ ra bức tranh tươi sáng cho nền kinh tế vào khoảng kể từ tháng 5, nhờ vào việc Trung Quốc mạnh dạn hơn trong chính sách mở cửa trở lại, cũng như kết thúc lần tăng lãi suất cuối cùng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Tuy nhiên, từ khóa “chủ động” tiếp tục được vị chuyên gia Fulbright đưa ra cho Việt Nam.
Trong đó, đặc biệt phải kể đến đầu tư công – công cụ tài khóa quan trọng trong bối cảnh điều hành chính sách gặp nhiều áp lực. Theo ông Thành, Việt Nam cần tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tạo trợ lực cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Cường, việc giải ngân đầu tư công không chỉ cần tăng tốc mà còn phải xem xét lại xem mục tiêu giải ngân có phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế hay không. Nếu giải ngân ồ ạt, sức ép huy động vốn từ trái phiếu chính phủ và sức ép thanh khoản cho các hệ thống tài chính sẽ là mối nguy cơ lớn.