Chữa bệnh ế tín dụng cho ngân hàng: Bài thuốc giảm lãi suất không còn hiệu quả

Đã từ rất lâu, tín dụng ngân hàng mới gặp phải tình trạng ách tắc mang tính hệ thống. Thậm chí, vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khi toàn bộ nền kinh tế bị "đóng băng" thì các cơ quan hữu quan cũng không phải rốt ráo tìm nhiều cách để khơi thông nguồn tín dụng như hiện nay...
tín dụng

Ngày 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đây không phải cuộc họp đầu tiên trong thời gian gần đây nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

NGÂN HÀNG MẮC "BỆNH THỪA TIỀN"

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại buổi họp cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Điều đáng nói, con số trên được hình thành trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành và mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cũng đã rơi về vùng trước dịch Covid-19.

Để nói về tình trạng tín dụng ùn ứ trên, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.

Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay. Đây là vấn đề rất khó!

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Cũng theo vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan, đặc biệt là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Thực tế do nhu cầu thị trường không có nên doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vốn. Bởi nếu vay vốn về sản xuất mà hàng tồn kho nhiều hơn, lại phải trả lãi thì doanh nghiệp còn khó khăn hơn nữa.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, thời gian qua việc điều hành và những giải pháp hệ thống ngân hàng đưa ra rất quyết liệt, linh hoạt, đạt được những kết quả khá tích cực.

Tuy nhiên, đối với Hiệp hội Dệt may, việc sản xuất gặp khó khăn không chỉ ở tín dụng mà là do thiếu đơn hàng và đơn giá thấp. Doanh nghiệp không có cơ hội sản xuất kinh doanh khả dĩ thì không vay tiền để làm gì dù lãi suất có thấp.

"Trước mắt nhu cầu của thị trường hàng dệt may chưa thể một sớm một chiều tăng lên được. Vì vậy, việc cần vốn cũng không nhiều. Tuy nhiên, về lâu dài, khi có nhiều cơ hội kinh doanh thì nhu cầu vốn sẽ rất lớn, nhất là trong chuyển đổi xanh", đại diện Hiệp hội Dệt may chia sẻ.

GIẢM LÃI SUẤT LÀ CHƯA ĐỦ

TS. Võ Trí Thành cho rằng, từ tổng thể chung của nền kinh tế, cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều. Hay nói cách khác, giảm lãi suất thôi là chưa đủ, cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.

vo-tri-thanh-6392.jpeg
TS. Võ Trí Thành

Hiểu đơn giản, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.

Theo ông Thành, đối với tín dụng, cần tính toán, đánh giá kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh…

Chung quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận, vấn đề khó nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là vấn đề thị trường. Cho nên phải mở được các thị trường cho doanh nghiệp. Bởi thị trường tắc thì không lĩnh vực nào thông được.

"Đối với việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường, phải có những giải pháp khác thường. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng can đảm lên, tiếp cận doanh nghiệp bằng xu hướng, tiềm năng tương lai… Ví dụ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo. Điều hành tín dụng nên có cách nhìn dài hạn, hướng về tương lai", ông Thiên phát biểu.

Ông Thiên cũng đưa ra lưu ý thêm, trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ"… "Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế. Nhưng khó mới cần phải làm".

dau-anh-tuan-7342.jpeg
Ông Đậu Anh Tuấn, Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Nhìn ở góc độ khác, ông Đậu Anh Tuấn, Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng tăng trưởng tín dụng như hiện nay là phù hợp với bức tranh chung của nền kinh tế. Lý do chính của tăng trưởng tín dụng chưa cao là do thị trường xuất khẩu giảm, nên doanh nghiệp thận trọng trong các kế hoạch đầu tư sản xuất.

Về điều hành chính sách tín dụng, ông Tuấn cho rằng, giải pháp giảm lãi suất là quan trọng, nhưng việc giữ an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô cũng là yếu tố quan trọng không kém để hút các nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới.

Ông Tuấn cũng đề xuất các giải pháp liên quan đến khôi phục niềm tin thị trường, tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân tín dụng hộ kinh doanh, hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu…

GÓP GIÓ THÀNH BÃO

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, trong bối cảnh khó khăn cả trong nội tại và quốc tế, nhưng với sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp… Việt Nam vẫn giữ được kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các chỉ tiêu kinh tế duy trì mức tăng trưởng dương, dù chưa đạt như mong đợi…

Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa, truyền dẫn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với nâng cao khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh những lĩnh vực ưu tiên cũng phải quan tâm cung ứng tín dụng cho các khu vực khác để "góp gió thành bão", thúc đẩy kinh tế hồi phục, phát triển…

5-169407654175566207327-1694076843503-16940768436331220757395-7277.jpeg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, dư luận, tiếp thu các kiến nghị hợp lý, tháo gỡ được gì thì phải tính toán, có giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế. Quan trọng nhất hiện nay là phải tìm điểm cân bằng, thiết kế lãi suất mặt bằng hợp lý…

Đối với những gói hỗ trợ tín dụng đang còn hiệu lực thì tiếp tục cố gắng thúc đẩy, giải ngân tối đa có thể.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh phân phối, các thị trường mới, tiềm năng, khôi phục và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, truyền thống; tận dụng tối đa lợi ích các FTA thế hệ mới.

Nghiên cứu các giải pháp hiệu quả để kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh triển khai chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; giảm chi phí logistic để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí giá thành sản xuất.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.