Chứng khoán Apec lãi sau thuế hơn 16 tỷ đồng trong quý 2, cổ phiếu bốc hơi 60% trong 1 tháng

Trong quý 2/2023, lợi nhuận sau thuế của Chứng khoán Apec đạt hơn 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ đậm 363 tỷ đồng...

Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (Chứng khoán Apec - mã chứng khoán: APS) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu hoạt động ghi nhận tăng 316% so với cùng kỳ, đạt mức 233 tỷ đồng.

Trong đó, thu lãi từ tài sản FVTPL cao gấp 14 lần, đạt 226 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc đánh giá lại danh mục tự doanh. Ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu cùng doanh thu môi giới đều giảm không đáng kể so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động ghi nhận giảm 58% so với quý 2/2022, xuống mức 209 tỷ đồng.

Kết quả là, lợi nhuận sau thuế của Chứng khoán Apec đạt hơn 16 tỷ đồng trong quý 2/2023, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ đậm 363 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, Chứng khoán Apec ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 126% so với cùng kỳ lên 360 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 57 tỷ đồng và 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ ròng 304 tỷ.

Như vậy, so với mục tiêu kinh doanh đề ra trong năm 2023 với 855 tỷ doanh thu và 230 tỷ lãi sau thuế, sau nửa năm, Chứng khoán Apec đã thực hiện được 42% và 20% chỉ tiêu cả năm.

Tính đến hết ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Chứng khoán Apec đạt 1.023 tỷ đồng, trong đó danh mục FVTPL có giá gốc gần 679 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là cổ phiếu niêm yết như API, IDJ (thuộc nhóm cổ phiếu họ Apec), CTI, DPG, CRE, HCD, TNH, DXS… giá gốc 455 tỷ trong khi giá trị hợp lý chỉ 313 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 142 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý 2/2023, Chứng khoán Apec đã xả bán ra gần hết lượng cổ phiếu HPG, CEO và BCG nắm giữ trong danh mục tự doanh (giá gốc đầu tư khoảng 130 tỷ đồng).

Theo tính toán, lượng cổ phiếu HPG có giá gốc mua vào khoảng 24.300 đồng/cổ phiếu. So với diễn biến giá cổ phiếu này trong quý 2, không loại trừ khả năng Chứng khoán APS đã thực hiện bán ra khoản đầu tư tại Hòa Phát khi vừa "về bờ". Dư nợ margin tại thời điểm cuối quý 2 của APS đạt 103 tỷ đồng, giảm 63 tỷ đồng so với đầu năm.

Chứng khoán Apec được biết đến nằm trong hệ sinh thái Apec và ông Nguyễn Đỗ Lăng, người đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc tại APS. Mới đây, cơ quan an ninh điều tra - Công an Thành phố Hà Nội quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương và Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam". Ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc APS cùng vợ và loạt cá nhân có liên quan sau đó cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Trước đó, hồi cuối năm 2021, nhóm cổ phiếu Apec trở thành hiện tượng trên thị trường chứng khoán khi ghi nhận mức tăng gấp nhiều lần chỉ sau thời gian ngắn. Ngày 12/6/2022 khi Ủy ban chứng khoán nhà nước đề nghị Công an Hà Nội làm rõ hành vi của nhóm tài khoản mở tại Công ty Cổ phần Chứng khoán APS. Những người này bị tình nghi đã thông đồng với nhau để thao túng, đẩy giá 3 mã cổ phiếu API, APS và IDJ.

Chứng khoán Apec Thị giá cổ phiếu APS qua các phiên

Quá trình điều tra ban đầu cáo buộc, trong khoảng thời gian từ 4/5/2021 đến 31/12/2021, vợ chồng ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng Phạm Duy Hưng đã chỉ đạo các đồng phạm sử dụng 40 tài khoản chứng khoán mở tại Chứng khoán Apec để liên tục mua bán. Việc này nhằm tạo ra cung cầu giả và giá đóng cửa mới. Từ đó ba mã cổ phiếu API, APS, IDJ tăng bất thường.

Để thao túng được như trên, Nguyễn Đỗ Lăng, Phạm Duy Hưng, Huỳnh Thị Mai Dung chỉ đạo Phạm Thị Đức Việt thực hiện đặt lệnh mua, bán 3 cổ phiếu API, IDJ, APS trên 40 tài khoản chứng khoán trên. Bị can Việt sau đó được giao nhiệm vụ tập hợp báo cáo kết quả khớp lệnh các giao dịch trên để lãnh đạo công ty nắm được.

Để "lùa gà", vợ chồng ông Lăng và bị can Hưng đã chỉ đạo các đồng phạm thường xuyên hô hào, đưa các thông tin tích cực về ba cổ phiếu APS, API, IDJ lên các hội nhóm. Hàng ngày, nhóm này đăng các bài viết tích cực để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư tham gia mua ba cổ phiếu này.

Việc tạo ra “cung cầu” giả và mức giá đóng cửa mới cho 3 mã cổ phiếu trên, dẫn đến đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư tham gia giao dịch mua, bán làm cho giá cổ phiếu 3 mã APS, API, IDJ liên tục có nhiều phiên tăng trần. Tại thời điểm ngày 16/11/2021, giá cổ phiếu APS đã tăng lập đỉnh giá 59.900 đồng/cổ phiếu; ngày 18/11/2021, giá cổ phiếu IDJ đã tăng lập đỉnh giá 75.000 đồng/cổ phiếu; ngày 15/11/2021, giá cổ phiếu API đã tăng lập đỉnh giá 102.000 đồng/cổ phiếu. Cơ quan an ninh xác định, hành vi thao túng cổ phiếu của những đối tượng này đã thu lời bất chính hơn 157 tỷ đồng

Trên thị trường chứng khoán, sau chuỗi giảm phiên lao dốc “nằm sàn” liên tiếp, hiện cổ phiếu APS đang ghi nhận ở mức 6.400 đồng/cổ phiếu (phiên sáng ngày 21/7), tương ứng giảm 60% kể từ đầu tháng 6.

Bất động sản Hà Nội chạm đáy?

Bất động sản Hà Nội chạm đáy?

Savills Việt Nam dự báo, thị trường bất động sản trong 6 tháng cuối năm sẽ có những chuyển biến tích cực hơn nhờ một loạt các giải pháp từ Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.