Chứng khoán Mỹ chịu áp lực bởi cổ phiếu Oracle và giá dầu

Chứng khoán Phố Wall kết thúc phiên 12/9 giảm điểm khi cổ phiếu Oracle mất hơn 13% và giá dầu chạm mức cao nhất trong 10 tháng làm gia tăng lo ngại về lạm phát dai dẳng…

Chứng khoán Mỹ: Kết thúc phiên 12/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,05% xuống 34.645,99 điểm, S&P 500 mất 0,57%, kết thúc phiên ở mức 4.461,91 điểm và chỉ số Nasdaq trượt 1,04% xuống 13.773,62 điểm.

Trong số 11 chỉ số ngành S&P 500, 8 chỉ số giảm điểm, dẫn đầu là công nghệ thông tin, giảm 1,75%, tiếp theo là dịch vụ truyền thông giảm 1,06%. Chỉ số năng lượng tăng 2,31%.

Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong S&P 500 là Tesla, với tổng số cổ phiếu trị giá 36,7 tỷ USD được trao đổi trong phiên. Cuối ngày, hãng sản xuất ô tô điện Mỹ giảm 2,23%.

Cổ phiếu của Oracle rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 vì nhà cung cấp dịch vụ đám mây dự báo doanh thu quý hiện tại thấp hơn mục tiêu sau khi suýt chút nữa đã không đạt được kỳ vọng trong quý 1/2023.

Các đối thủ nặng ký về điện toán đám mây như Amazon.com và Microsoft đều trượt hơn 1%, cũng bị ảnh hưởng bởi dự báo yếu kém của Oracle và lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng.

Cổ phiếu Apple giảm 1,8% trong ngày công ty chính thức ra mắt iPhone mới. Nhà Táo quyết định không tăng giá dòng sản phẩm mới do phải đối mặt với tình trạng suy giảm nhu cầu trên toàn cầu. Bên cạnh đó, cổ phiếu Apple cũng chịu sức ép bởi một báo cáo cho biết Huawei Technologies của Trung Quốc đã tăng mục tiêu xuất xưởng cho điện thoại thông minh dòng Mate 60 lên 20% trong nửa cuối năm nay.

Advance Auto Parts mất khoảng 8% sau khi S&P Global hạ xếp hạng tín dụng và nợ của nhà bán lẻ phụ tùng ô tô này từ hạng BBB- xuống hạng BB+.

Trong khi đó, cổ phiếu Zions Bancorp tăng 6,8% khi tổ chức cho vay của Mỹ công bố mức tăng nhẹ trong tăng trưởng thu nhập lãi ròng hàng tháng.

WestRock lên 2,8% nhờ vào thoả thuận sáp nhập với Smurfit Kappa của Châu Âu để thành lập công ty giấy và bao bì lớn nhất thế giới với giá trị gần 20 tỷ USD.

Khối lượng trên các sàn giao dịch Mỹ vào 12/9 là 9,4 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 9,9 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, giới đầu tư đang chờ dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 vào 13/9 và chỉ số giá sản xuất dự kiến vào 14/9 để đánh giá triển vọng lãi suất của Mỹ trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 20/9 tới.

Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch nhận thấy 93% khả năng lãi suất duy trì ở mức hiện tại trong tháng 9 nhưng chỉ có 56% đặt cược vào khả năng tạm dừng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tháng 11.

“Tất cả những thông tin mà chúng ta nhận được từ nay cho đến cuộc họp tháng 11 sẽ là rất quan trọng, đặc biệt là những thông tin liên quan đến lạm phát. Vì vậy, điều đó đặt ra tầm quan trọng lớn đối với báo cáo CPI ngày mai”, ông Art Hogan, giám đốc chiến lược thị trường tại B Riley Wealth cho biết.

Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu vào 14/9, với kỳ vọng giữ nguyên lãi suất sau chín lần tăng liên tiếp.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng khoảng 2% lên mức cao nhất gần 10 tháng vào 12/9 do triển vọng nguồn cung ngày càng thắt chặt và sự lạc quan của OPEC về phục hồi nhu cầu năng lượng ở các nền kinh tế lớn.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,42 USD, hay 1,6%, đạt mức 92,06 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ thêm 1,55 USD, tương đương 1,8%, thành 88,84 USD/thùng.

Cả hai điểm chuẩn vẫn ở mức “quá mua” (overbought) về mặt kỹ thuật trong ngày thứ tám liên tiếp và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Trong ngày, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên dự báo về nhu cầu toàn cầu tăng trưởng tốt trong năm 2023 và 2024, trích dẫn những dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn hoạt động mạnh mẽ hơn dự kiến. Báo cáo hàng tháng của OPEC kỳ vọng, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày vào năm 2024.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA chỉ ra rằng, việc giá dầu thô tăng cao ngay sau báo cáo hàng tháng của OPEC cho thấy thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt hơn rất nhiều so với suy nghĩ ban đầu.

Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với những quốc gia nào?

Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với những quốc gia nào?

Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược...
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.