Mặc dù có tăng nhẹ trong phiên 8/9, nhưng cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi nhận mức giảm hàng tuần do các nhà đầu tư lo lắng về lãi suất và hồi hộp chờ đợi số liệu lạm phát sắp tới của Mỹ…
Chứng khoán Mỹ: Kết thúc phiên 8/9, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 75,86 điểm (+0,22%) lên 34.576,59 điểm, S&P 500 thêm 6,35 điểm (+0,14%) thành lên 4.457,49 điểm và Nasdaq Composite nhích nhẹ 12,69 điểm (+0,09%) lên 13.761,53 điểm.
Trong tuần, được rút ngắn với kỳ nghỉ Ngày Lao động hôm 4/9, S&P 500 giảm 1,3%, Nasdaq mất 1,9% và chỉ số Dow Jones giảm 0,8%.
Apple đã đạt được mức tăng nhỏ 0,3%, mặc dù mức đóng cửa 178,18 USD vẫn thấp hơn khoảng 2 USD so với mốc cao nhất trong phiên do đà tăng đã mất đà.
Trước thông tin chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhân viên chính quyền sử dụng iPhone tại nơi làm việc, cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone đã lao dốc trong hai phiên trước đó, đẩy lĩnh vực công nghệ rộng hơn đi xuống.
Sau khi mất 2,9% trong hai phiên, lĩnh vực công nghệ S&P 500 đóng cửa ở mức ổn định hơn. Năng lượng, tăng 0,97%, là mức tăng phần trăm lớn nhất trong số 11 ngành thuộc S&P 500 nhờ tín hiệu từ giá dầu. Ngành tiện ích cũng có mức tăng hàng ngày là 0,96% trong khi ngành giảm mạnh nhất là bất động sản, mất 0,63%.
Ở các diễn biến riêng lẻ, Kroger đóng cửa tăng 3% sau khi nhà bán lẻ đánh bại ước tính về lợi nhuận điều chỉnh hàng quý.
Gilead Sciences thêm 2,8% nhờ việc BofA Securities nâng cấp nhà sản xuất dược phẩm từ “trung lập” thành "mua”.
Trong khi đó, GameStop chốt phiên giảm 6% do một báo cáo tiết lộ rằng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đang điều tra chủ tịch Ryan Cohen của nhà bán lẻ trò chơi điện tử.
Khối lượng trên các sàn giao dịch Mỹ là 8,89 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 9,96 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.
Các nhà đầu tư chú ý quan sát mức tăng của giá dầu tăng và chờ đợi báo cáo về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8, dự kiến công bố vào ngày 13/9, nhằm tìm kiếm các tín hiệu về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ điều chỉnh lãi suất.
Trong khi các nhà giao dịch đặt cược vào xác suất khoảng 93% rằng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức hiện tại sau cuộc họp kết thúc vào 20/9, thì dự đoán cho một đợt tạm ngừng khác vào tháng 11 chỉ vào khoảng 53,5%, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ có dấu hiệu thấp hơn, nhưng việc lãi suất trái phiếu kho bạc 2 năm tăng vào 8/9 dường như gây áp lực lên cổ phiếu nói chung. Ông David Lefkowitz, người đứng đầu bộ phận Chứng khoán Mỹ tại UBS Global Wealth Management lưu ý rằng các nhà đầu tư bày tỏ sự không chắc chắn về lãi suất kể từ đầu tháng 8.
Cùng với ba tháng liên tiếp giá dầu thô tăng và khởi đầu tháng 9 tích cực, dữ liệu kinh tế trong tuần này cũng làm dấy lên lo ngại về lạm phát, cụ thể là dữ liệu hoạt động dịch vụ mạnh hơn dự kiến và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm.
Ông Phil Blancato, giám đốc điều hành của Ladenburg Thalmann Asset Management, cho biết: “Dự đoán của tôi là chỉ số CPI có thể cao hơn dự kiến khi giá dầu tăng”.
Những bình luận trái chiều từ các quan chức Fed cũng thúc đẩy mối lo ngại mới. Chủ tịch Fed New York John Williams vẫn giữ nguyên các lựa chọn của mình trong tuần này, trong khi Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan nói rằng mặc dù việc giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp tiếp theo có thể là phù hợp, nhưng cũng có thể cần phải thắt chặt hơn nữa.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng gần 1% lên mức cao nhất trong 9 tháng vào 8/9 do lo ngại về nguồn cung sau khi Arab Saudi và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung trong tuần này.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 73 cent, tương đương 0,8%, đạt 90,65 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 64 cent, tương đương 0,7%, đạt 87,51 USD.
Trong tuần, cả hai điểm chuẩn đều tăng khoảng 2%, thấp hơn so mức tăng tuần trước là khoảng 5% đối với dầu Brent và khoảng 7% đối với dầu WTI.
“Giá dầu thô tiếp tục giao dịch cao hơn do các động lực từ phía nguồn cung. Không ai nghi ngờ rằng OPEC+ sẽ giữ cho thị trường thắt chặt trong mùa đông”, ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA, nhận xét.
Hai thành viên chủ chốt của OPEC+ là Arab Saudi và Nga đã gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng mỗi ngày từ nay cho đến cuối năm.