Cổ phiếu AMD của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 24/10/2022.
Lý do cổ phiếu AMD của FLC Stone bị đưa vào diện hạn chế giao dịch là bởi doanh nghiệp này đã chậm nộp Báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định, theo điểm a khoản 1 Điều 39 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/1QĐ – HĐTV ngày 31/3/2022 của HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 24/10, cổ phiếu AMD chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.
Trước đó, vào ngày 6/10, AMD bị HOSE chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do Công ty chậm nộp BCTC soát xét bán niên 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Tại thời điểm đó, Công ty đưa ra văn bản giải trình rằng: Thời gian qua, AMD đã liên hệ và thuyết phục nhiều đơn vị kiểm toán đủ năng lực và chuyên môn để thực hiện BCTC soát xét bán niên nhưng các đơn vị kiểm toán đều từ chối hợp tác vì lý do khách quan liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Quảng cáo
Công ty cam kết nỗ lực hết sức để tìm đơn vị kiểm toán trong thời gian nhanh nhất và nhanh chóng công bố thông tin về BCTC sau khi hoàn thành.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 19/10, cổ phiếu AMD giảm 6,79% xuống mức 1.510 đồng/cp, “bốc hơi” 85% so với đỉnh đạt được hồi phiên đầu năm. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên đạt hơn 1,3 triệu đơn vị.
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, các cổ phiếu "họ FLC" đều đã bị hạn chế hoặc đình chỉ hoàn toàn giao dịch. Cụ thể, cổ phiếu ROS bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE; hai mã FLC và HAI bị đình chỉ giao dịch, còn lại 4 mã GAB, KLF, ART và AMD đều bị hạn chế giao dịch.
Về kết quả kinh doanh của AMD, quý II/2022, Công ty ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt hơn 34 tỷ đồng - giảm 92% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong kỳ, chi phí quản lý của AMD tăng gấp 10 lần cùng kỳ lên mức 29 tỷ đông. do Công ty đã trích lập dự phòng bổ sung một số khoản nợ phải thu khó đòi.
Kết quả, AMD lỗ ròng gần 24 tỷ đồng, trong khi quý II/2021 ghi nhận lãi gần 6 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên AMD ghi nhận lợi nhuận âm kể từ khi niêm yết. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, AMD lỗ sau thuế hơn 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 7,5 tỷ đồng.