Trong tuần giao dịch (26/6 – 30/6), thị trường chứng khoán ghi nhận 20 mã cổ phiếu ngân hàng giảm, 6 mã cổ phiếu tăng và duy nhất 1 mã đứng giá…
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng tuần qua (26/6 – 30/6) kém tích cực với 20/27 mã giảm, 6 mã tăng và chỉ có 1 mã đứng giá. Trong đó, mã NAB là mã duy nhất toàn ngành có mức tăng trên 1% (+1,3%) sau 5 phiên giao dịch. Các mã cổ phiếu còn lại tăng nhẹ, chưa đến 1% là CTG (+0,9%), EIB (+0,7%), ACB (+0,7%), NVB (+0,7%), VCB (+0,1%).
Ở chiều ngược lại, PGB là mã là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất tuần qua với mức giảm -5,7%, kết tuần ở mức 27.400 đồng/cổ phiếu. Trong khi tuần trước đó, đây lại là mã cổ phiếu có mức tăng tốt nhất toàn ngành. Theo sau là 2 mã VAB và KLB với mức giảm lần lượt là -5,2% và -5%.
Trong tuần qua, nhiều ngân hàng có vốn hóa lớn cũng kết tuần trong sắc đỏ như: BID (-2,1%), TCB (-1,7%), VPB (-1,7%). Tương tự, một số cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến tiêu cực trong tuần như: BVB (-4,4%), MSB (-3,1%), TPB (-2,7%), SGB (-2,5%), SHB (-2,3%), ABB (-2%), STB (-1,7%), OCB (-1,6%), VIB (-1,5%), BAB (-1,4%), LPB (-1,3%), SSB (-0,4%), HDB (-0,3%), VBB (-0,1%).
Cổ phiếu MBB của MB Bank là mã cổ phiếu ngân hàng duy nhất đứng giá trong tuần giao dịch (26/6 – 30/6), hiện đang giao dịch tại mức 20.200 đồng/cổ phiếu.
Thay đổi giá cổ phiếu ngân hàng tuần qua (26/6 – 30/6)
Thanh khoản toàn ngành giảm 10% so với tuần trước đó với 753 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương với giá trị đạt 15.643 tỷ đồng. Cụ thể, thanh khoản của STB tiếp tục tăng cao so với tuần trước 13% với mức 2.571 tỷ đồng, đứng đầu nhóm cổ phiếu "vua" tuần này. Khối lượng cổ phiếu STB được giao dịch nhiều vào phiên đầu tuần, với gần 1.000 tỷ đồng đã được khớp lệnh ngay từ phiên này.
Xếp sau STB, thanh khoản VPB giảm 13% so với tuần trước, xuống còn 1.993 tỷ đồng, song vẫn cao hơn hẳn với mức 1.500 tỷ đồng của MBB đứng sau đó. Mặt khác, thanh khoản của SHB, cổ phiếu vốn được giao dịch nhộn nhịp top đầu nhiều tháng trước đó, chỉ đạt còn 1.019 tỷ đồng trong tuần này, thấp hơn 42% so với tuần trước.
Sau 2 tuần mua ròng liên tiếp, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 200 tỷ đồng STB trong tuần qua. Đây cũng là mức bán ròng cao nhất toàn ngành. Ngược lại mua ròng gần 100 tỷ đồng CTG.
Ở một diễn biến khác, nhóm tự doanh lại mua ròng 121 tỷ đồng cổ phiếu EIB, mua ròng 78 tỷ đồng CTG và 64 tỷ đồng STB.
Trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã gửi yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung về việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất.
Ngay sau đó, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vào ngày 30/6/2023. Đây là lần thứ 6 ngân hàng này giảm lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay.
Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm.
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2-4 điểm phần trăm so với đầu năm.
Một sự kiện đáng chú ý khác, ngay sau khi bà Đỗ Hà Phương nhận chức Chủ tịch Eximbank thay cho bà Lương Thị Cẩm Tú, một nhóm cổ đông đã đòi miễn nhiệm vị tân chủ tịch, vì cho rằng bà không thực hiện nghiêm túc chức vụ đảm nhiệm, gây xáo trộn nghiêm trọng hoạt động của Eximbank. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng này cũng chính thức phát đi thông cáo giải trình rằng, mọi quy trình bầu bà Phương đều theo quy định pháp luật. Nhìn chung, biến động thượng tầng tại Eximbank vẫn chưa tới hồi kết.
Ở một diễn biến khác, PG Bank nới tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 2% lên 30% từ ngày 26/6/2023. Trước đó, PG Bank đã đề nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phong toả tỷ lệ này ở mức 2% trong thời gian Petrolimex thực hiện thoái vốn khỏi ngân hàng.
Trong khi đó, ngân hàng ACB chính thức tăng vốn điều lệ lên hơn 38.800 tỷ đồng từ đợt phân phối hơn 506,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông để chia cổ tức theo tỷ lệ 15%.