Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các bên liên quan quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu nông sản theo chuỗi liên kết gắn với tín hiệu thị trường.
Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong khuôn khổ phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong những năm qua, giá trị xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của ta đóng vai trò quan trọng và khẳng định được vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế: Hiện Việt Nam đã xuất khẩu nông sản sang hơn 200 trong tổng số 224 nước và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, trong đó một số mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra, đồ gỗ… đã chiếm thị phần khá lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhận định, nền kinh tế nông nghiệp nước ta vẫn còn quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên hoạt động nuôi, trồng diễn ra tự phát, manh mún và theo phong trào, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. Tổ chức sản xuất manh mún khiến chất lượng nông, thủy sản của nước ta không đồng đều, khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Còn thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ. Thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường, “điệp khúc” được mùa, mất giá vẫn diễn ra.
Xuất khẩu nông sản chủ yếu vẫn là các sản phẩm thô, chưa có sản phẩm nông sản mũi nhọn có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh. Phát triển thương mại nông lâm thuỷ sản chủ yếu tập trung vào thị trường xuất khẩu, chưa quan tâm đúng mức tới thị trường trong nước với gần 100 triệu người tiêu dùng, khả năng tiêu thụ các loại hàng hóa nông lâm thuỷ sản ở các phân khúc khác nhau là rất lớn.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, thời gian tới, trước hết Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng của ngành. Khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất. Tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết. Tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển các thị trường truyền thống và thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.
Thứ ba, xây dựng nội dung đàm phán về mở cửa thị trường, kiểm dịch động - thực vật, và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan cho hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, tiêu chuẩn của hàng hóa Việt Nam xuất đi các thị trường khác.
Thứ tư, đấu tranh hiệu quả với những hàng rào kỹ thuật, thương mại bất hợp lý đối với nông sản của Việt Nam để giữ vững thị trường. Theo dõi sát, phát hiện kịp thời hiện tượng gia tăng nhập khẩu đột biến để cùng trao đổi với các Bộ liên quan có các biện pháp phù hợp, góp phần bảo vệ chính đáng cho sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ năm, tổng hợp thông tin về thị trường, đăng tải, công bố Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản định kỳ hàng tuần trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các Hội nghị giao ban định kỳ với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hàng tháng để định hướng thị trường cho doanh nghiệp, địa phương. Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài.
Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics, tăng cường khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics để giảm chi phí.
Thứ bảy, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Thứ tám, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển qua biên giới, tránh buôn lậu, gian lận thương mại sản phẩm nông sản.
Đối với thị trường trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa các nhà cung ứng với các nhà phân phối. Tăng cường các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, thúc đẩy các địa phương tiêu thụ sản phẩm của nhau. Kết nối các nhà cung ứng, vùng nguyên liệu với các nhà chế biến nông sản. Hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong nước. Chủ động làm việc với các hệ thống phân phối lớn về việc hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các mô hình nông sản theo chuỗi để cung cấp trong hệ thống bán lẻ của mình. Hỗ trợ các địa phương xây dựng Đề án đẩy mạnh chuỗi cung ứng nông sản, hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội về nhập khẩu điều nhân và điều thô có thể ảnh hưởng nhất định đến sản xuất trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng đó là một thực tế. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, thì Nhà nước, doanh nghiệp hay người sản xuất kinh doanh đều tuân thủ các quy luật khách quan về cung - cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh và lưu thông tiền tệ. Vì vậy, việc nhập khẩu điều nhân, điều thô để phục vụ sản xuất cho xuất khẩu, duy trì ngành chế biến hạt điều, giữ vững thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường cũng là việc có thể cân nhắc, trong bối cảnh cây điều trong nước sản lượng còn thấp, chất lượng chưa ổn định.
Để giải quyết vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, thời gian tới các địa phương cần quy hoạch vùng trồng điều phù hợp, có diện tích đủ lớn và áp dụng công nghệ hiện đại hơn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm ổn định phục vụ sản xuất, xuất khẩu; đồng thời tăng cường liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Quốc hội về thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản Thy Thảo