Doanh nghiệp lao đao, chính sách 'khẩu hiệu'

Đối diện với những thách thức thị trường, doanh nghiệp càng thêm mệt mỏi khi gặp phải khó khăn cả từ phía chính sách.

Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng cao, tốc độ doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm đi là điều khiến PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt nghi vấn về sự tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm.

Ông Thiên nhìn nhận, doanh nghiệp “chết” đi là “chết thật”, trong khi doanh nghiệp mới gia nhập thị trường thì chưa biết được liệu có thực sự hoạt động hay không, cũng chưa có đóng góp gì nhiều cho nền kinh tế. “Như vậy, tăng trưởng nửa đầu năm dựa trên cơ sở nào”, nguyên lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi.

Cùng với đó, hiện tượng chỉ số sử dụng lao động giảm mạnh ở các địa phương có thế mạnh về ngành công nghiệp chế biến chế tạo như Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai… cũng phần nào phản ánh sự hụt hơi nghiêm trọng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Số liệu về xuất khẩu phản ánh rõ điều đó. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm giảm gần 20%, cao gấp đôi so với mức giảm chung 10% của dệt may toàn cầu. Xuất khẩu thủy sản cũng giảm rất mạnh, lên đến 27,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 12% so với cùng kỳ.

Khó khăn từ phía thị trường là điều khó tránh khỏi, bởi những bất ổn địa chính trị, địa kinh tế toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp, cộng thêm chuỗi cung ứng phần nào bị bào mòn sau 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19.

doanh nghiệpÔng Đậu Anh Tuấn tại tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023. Ảnh: Việt Dũng/VnEconomy

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ ra thực trạng khiến doanh nghiệp càng lao đao hơn, đó là những khó khăn, rào cản xuất phát từ phía chính sách.

Đại diện VCCI nhìn nhận, đành rằng mục tiêu chung đã được Chính phủ xác định rõ ràng nhưng sự hành động của các bộ, ngành, cơ quan liên quan lại không giống nhau. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước rất vất vả trong điều hành chính sách tiền tệ để tạo điều kiện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, trong khi khâu hoàn thuế giá trị gia tăng lại bị tắc nghẽn. Có doanh nghiệp doanh thu xuất khẩu mỗi tháng lên đến hơn 400 tỷ đồng nhưng mấy tháng nay bị chững lại vì không được hoàn thuế.

Một ví dụ khác là trong bối cảnh khó khăn, nới lỏng tài khóa thông qua giảm thuế, phí là giải pháp mang tính hiển nhiên. Thế nhưng, Bộ Tài chính lại đang ngồi họp để thảo luận đưa rất nhiều ngành hàng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang được xây dựng.

“Nhiều doanh nghiệp “chua chát” nói rằng, thay vì thảo luận về giải pháp giảm thuế, họ đang phải thảo luận để ngành hàng của mình không bị đưa vào diện chịu thuế cao. Đó là chính sách không hợp lý”, ông Tuấn cho biết.

Không nói về những chính sách mới đang được xây dựng mà ngay đối với khung chính sách cũ, rất nhiều chi phí chồng lấn nhau khiến doanh nghiệp mất đi rất nhiều năng lực cạnh tranh. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho biết, chi phí lương có đến 30% đóng vào bảo hiểm xã hội, là mức cao gần nhất trong khu vực, cao hơn so với Thái Lan, Malaysia và chỉ đứng sau Trung Quốc.

Bà Hương đánh giá, chi phí lao động cao lên nhiều nhưng thực tế tiền lương chi cho người lao động không tăng lên đáng kể. Đó là một phần nguyên nhân khiến nhiều ông lớn đang rục rịch chuyển đơn hàng đi sang các nước lân cận.

Điều này thể hiện rằng mục tiêu cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính không tạo ra được hiệu quả thực tế. Ông Tuấn lý giải, khẩu hiệu cải cách được nói đi nói lại rất nhiều nhưng hiếm có những thảo luận rằng nên cải cách thế nào, trách nhiệm của các bộ, ngành ra sao, lộ trình thực hiện đến khi nào. Như vậy, cải cách vẫn chỉ nằm trên giấy.

Chính sách đã khó khăn, doanh nghiệp còn hoang mang về những quy định mới tại các thị trường xuất khẩu lớn. Đơn cử như quy định về carbon và chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU). Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho biết, những quy định này sẽ tác động rất lớn tới các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như da giày, dệt may, nông sản, thủy sản… nhưng vẫn chưa có phản ứng chính sách rõ ràng để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các quy định này.

Ông Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, chính những khó khăn, bất cập về chính sách là lý do khiến nhiều bạn trẻ phải đi sang Singapore, Malaysia để đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay vì đăng ký hoạt động ngay tại Tổ quốc.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.