EVN đề xuất đến năm 2025, cần đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500MW các nguồn điện tái tạo, gồm 4.000MW điện gió ngoài khơi và khoảng 1.500MW điện Mặt Trời kèm theo hệ thống lưu trữ phù hợp.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc hiện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước.
Trong năm 2022, nguồn điện ở miền Bắc dự kiến đưa vào vận hành rất ít, các nguồn điện mới bổ sung ở miền Trung và miền Nam (chủ yếu là năng lượng tái tạo) vài năm gần đây cũng chỉ hỗ trợ được một phần cho miền Bắc, do công suất truyền tải qua đường dây 500kV bị giới hạn về kỹ thuật.
Trong khi đó, tình hình cung cấp than cho sản xuất điện gặp rất nhiều khó khăn, hệ thống điện miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục thiếu công suất đỉnh trong các tháng nắng nóng.
Chính vì vậy, EVN đề xuất đến năm 2025, cần đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500MW các nguồn điện tái tạo, gồm 4.000MW điện gió ngoài khơi và khoảng 1.500MW điện Mặt Trời kèm theo hệ thống lưu trữ phù hợp.
Theo bà Cao Thị Thu Yến, chuyên gia năng lượng tái tạo và môi trường CTCP Tư vấn Xây dựng điện 1 (EVNPECC1), nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống đã gần đạt tới ngưỡng phát triển.
Do đó, việc EVN phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là đi đầu triển khai điện gió ngoài khơi sẽ vừa phù hợp về chuyên môn kỹ thuật, vừa định hướng về đầu tư, đồng thời bảo đảm lợi ích và chủ quyền quốc gia ở khu vực vịnh Bắc Bộ.
Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức gồm cả EVNPECC1, tiềm năng gió ở vịnh Bắc Bộ được đánh giá khá tốt, phù hợp phát triển điện gió ngoài khơi. Ở độ cao 100m tốc độ gió khu vực này đạt trung bình khoảng 7,5 - 8,5m/s.
Quảng cáo
Về tài chính và quản lý dự án, theo bà Cao Thị Thu Yến, suất đầu tư điện gió ngoài khơi hiện đang giảm nhanh theo thời gian và phụ thuộc vào quy mô dự án, loại hình công nghệ, tài nguyên khu vực biển và ven biển.
Tổng mức đầu tư cho một dự án có công suất 1.000MW điện gió ngoài khơi ở Việt Nam được ước tính là 3,15 tỷ USD và được dự báo giảm còn 2,15 tỷ USD vào năm 2030.
Điều đáng nói là mới đầu tháng 10/22, Bộ TN&MT có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị tạm dừng thẩm định liên quan đến các đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi với lý do được đưa ra là do còn nhiều vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật.
Cụ thể, vướng mắc pháp lý gồm hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận việc đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển.
Trạm Lidar gió
Theo bộ TN&MT, đã có 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi gửi đến Bộ. Tổng công suất đề xuất là trên 100 GW, nhưng mới chỉ có 1 đề xuất đo gió đã được Bộ TN&MT chấp thuận là của nhà đầu tư trong nước đề xuất, diện tích 36m2 để lắp đặt trạm Lidar gió trên biển phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre.
Vướng mắc kỹ thuật gồm diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển là bao nhiều ha trên 1MW công suất dự kiến đối với từng khu vực biển; Chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho 01 dự án là bao nhiêu, chẳng hạn 0,5GW, 1GW hay 2GW...
Chính vì thế, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ các vướng mắc nêu trên. Trong thời gian đó, Bộ cho rằng nên tạm dừng việc thẩm định, chấp thuận về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát địa chất, địa hình đánh giá tác động môi trường trên biển.