Giá dầu thô 26/5: Quay đầu giảm khi Nga hàm ý OPEC+ có thể không cắt giảm thêm sản lượng khai thác

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 26/5, giá dầu thô thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm sau khi giới chức Nga phát tín hiệu OPEC+ có thể sẽ không cắt giảm thêm sản lượng khai thác, trái ngược với kỳ vọng của thị trường trong thời gian gần đây.

Diễn biến giá dầu thô thế giới Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 76 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 71,74 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 25/5, giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh hơn 2 USD/thùng sau khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết ông kỳ vọng rằng liên minh OPEC+ sẽ không đưa ra chính sách khai thác mới trong phiên họp diễn ra ngày 4/6 tới đây.

Đồng thời, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định giá các mặt hàng năng lượng hiện nay đang tiến dần đến mức “phù hợp về mặt kinh tế”. Những điều này có thể hàm ý rằng OPEC+ không cần phải cắt giảm thêm sản lượng khai thác trong thời gian tới.

Trước đó, thị trường đã kỳ vọng rằng OPEC+ có thể sẽ tiếp tục giảm sản lượng khai thác nhằm củng cố giá dầu thô sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia vừa cho biết những nhà đầu tư đang đặt cược vào việc giá dầu thô còn tiếp tục giảm sẽ phải “thất vọng”. Saudi Arabia và Nga hiện là hai quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất liên minh OPEC+.

Vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhấn mạnh thị trường đang xuất hiện tình trạng bất hợp lý khi nguồn cung dầu đang bị siết chặt nhưng giá dầu thô lại chạm mức thấp nhất trong 16 tháng qua. IEA cảnh báo thị trường sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô ngay từ quý 2 này và mức thiếu hụt có thể lên đến 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Liên minh OPEC+ đã bắt đầu giảm sản lượng khai thác thêm 1,16 triệu thùng/ngày kể từ đầu tháng 5/2023. Như vậy, tổng sản lượng khai thác dầu được OPEC+ cắt giảm lên tới khoảng 3,66 - 3,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 3,8% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nhận định đà tăng của giá dầu thô hiện đang bị kìm hãm bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng mạnh lãi suất và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay có thể thấp hơn dự báo.

Thị trường hiện cũng đang tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến đàm phán trần nợ công của Hoa Kỳ khi hạn chót ngày 1/6 đang đến gần. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hoà đã tiến rất gần đến một thoả thuận nâng trần nợ công trong cuộc thảo luận trực tuyến vào ngày 25/5 (theo giờ địa phương). Hiện hai bên vẫn chưa thể thống nhất về việc sẽ cắt giảm chi tiêu ở lĩnh vực nào để giảm thâm hụt liên bang.

Trước đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã cảnh báo nguy cơ không còn khả năng thực hiện tất cả nghĩa vụ thanh toán vào ngày 1/6 nếu như Quốc hội Hoa Kỳ không thông qua việc nâng trần nợ công. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa cho biết có thể sẽ bán các khoản nợ với tổng trị giá 119 tỷ USD sắp đến hạn nhằm kéo dài thời gian, hàm ý rằng ngày 1/6 không phải là hạn chót cố định.

Giới phân tích cảnh báo việc Hoa Kỳ vỡ nợ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế Hoa Kỳ, ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường tài chính trên thế giới, thậm chí có thể gây suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Đám mây đen” trần nợ phủ kín Phố Wall

“Đám mây đen” trần nợ phủ kín Phố Wall

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã kết thúc ở mức thấp hơn vào 24/5 khi cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và các đại diện của Đảng Cộng hòa về việc nâng trần nợ của Mỹ tiếp tục kéo dài mà không đạt được thỏa thuận…
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.