HoREA tiếp tục đề nghị không quy định ban hành bảng giá đất hàng năm

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị không quy định ban hành “bảng giá đất hàng năm”…

bảng giá đất hàng năm Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA)vừa có văn bản đề nghị không quy định ban hành “bảng giá đất hàng năm”. Ảnh minh hoạ

Theo đó, tại Điều 12 Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định “trình tự, thủ tục xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần”, trình tự xây dựng bảng giá đất thực hiện theo quy định gồm năm bước, bên cạnh đó còn kèm theo hồ sơ xây dựng bảng giá đất trình UBND cấp tỉnh, hồ sơ xây dựng bảng giá đất trình HĐND cấp tỉnh.

Việc thẩm định bảng giá đất do Hội đồng thẩm định bảng giá đất thực hiện, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất bao gồm nhiều thành phần.

Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức xây dựng, trình UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất tại địa phương định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ.

Còn tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT cũng quy định “trình tự lập dự án xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần” với 3 bước cụ thể gồm thu thập thông tin, tài liệu; xác định số lượng điểm điều tra; xác định số lượng thửa đất cần điều tra.

Đối với Điều 9 Thông tư liên tịch 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT quy định “hồ sơ đề nghị thẩm định dự thảo bảng giá đất”, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi Hồ sơ đề nghị thẩm định dự thảo bảng giá đất đến Thường trực Hội đồng thẩm định bảng giá đất. Cùng với đó, tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT quy định công tác “thẩm định dự thảo bảng giá đất” theo 4 trình tự.

Như vậy, Hiệp hội nhận thấy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ “khung giá đất” nên thực hiện trình tự, thủ tục xây dựng “bảng giá đất” cũng chỉ giảm bớt được 1 công việc là không phải thực hiện “thẩm định sự phù hợp của dự thảo bảng giá đất so với khung giá đất” tại quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Thông tư số 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT mà thôi.

Đại diện HoREA ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, hiện nay, để xây dựng “bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần” thì cấp tỉnh phải thực hiện trình tự, thủ tục với nhiều công đoạn và công việc rất chi tiết, phức tạp mất rất nhiều thời gian không dưới 6 tháng, nên việc xây dựng “bảng giá đất hàng năm” là không khả thi gây quá tải cho chính quyền các địa phương.

Nhất là Sở (Phòng) Tài nguyên Môi trường và Sở (Phòng) Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất địa phương phải “loay hoay” xây dựng, thẩm định “bảng giá đất hàng năm” và cả Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Nếu quy định xây dựng “bảng giá đất hàng năm” thì vẫn phải thực hiện trình tự, thủ tục với nhiều công đoạn và các công việc cụ thể rất chi tiết, mất rất nhiều thời gian tương tự như thực hiện quy định xây dựng “bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần” hiện nay.

Do đó, để “luật hóa” chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW nhằm xây dựng hoàn thiện “chính sách tài chính về đất đai, giá đất” của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), HoREA kiến nghị không ban hành “bảng giá đất hàng năm” mà nên ban hành “bảng giá đất định kỳ 2-3 năm một lần”.

Nhưng để đảm bảo cho giá đất trong bảng giá đất luôn tiệm cận với giá đất trên thị trường thì phải đi đôi với việc tiếp tục quy định các “hệ số điều chỉnh giá đất”, trong đó có “hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm (hệ số k1)” để điều chỉnh “bảng giá đất”, hoặc “hệ số điều chỉnh giá đất khi thị trường giá đất có biến động (hệ số k2)”, hoặc “hệ số điều chỉnh giá đất khi Nhà nước quyết định thu hồi đất (hệ số k3)”, hoặc áp dụng “phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k4) để định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không phân biệt giá trị khu đất dưới hay trên 30 tỷ đồng theo Bảng giá đất, thay vì thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đất”.

Việc quy định ban hành “bảng giá đất định kỳ 2-3 năm một lần” là phù hợp với thực tiễn trình độ, năng lực của bộ máy hành chính, nhân lực, trang thiết bị công nghệ, phần mềm quản lý hiện nay, đi đôi với “định lượng, công thức hóa” việc “định giá đất cụ thể” để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án bất động sản, nhà ở, đô thị sẽ bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu dễ làm và không gây “rủi ro pháp lý” cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và người liên quan trong thực thi công vụ”, đại diện Hiệp hội khẳng định.

Đáng chú ý, Hiệp hội nhận thấy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sử dụng chữ “định kỳ” trong cụm chữ “bảng giá đất định kỳ hàng năm” là không chính xác vì về ngữ pháp thì không sử dụng chữ “định kỳ” trong trường hợp gắn với đơn vị thời gian.

Vì thế, dự thảo không viết là “định kỳ hàng ngày”, “định kỳ hàng tháng”, “định kỳ hàng năm” mà viết là “hàng ngày”, “hàng tháng”, “hàng năm” và chỉ sử dụng chữ “định kỳ” gắn với một khoảng thời gian như “bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần” nên không viết là “bảng giá đất định kỳ hàng năm” mà viết đúng là “bảng giá đất hàng năm”.

 

Phê duyệt dự án Cụm công nghiệp Hương Sơn 2, Bắc Giang quy mô 65 ha

Phê duyệt dự án Cụm công nghiệp Hương Sơn 2, Bắc Giang quy mô 65 ha

Theo quyết định thành lập Cụm công nghiệp Hương Sơn 2, ngành nghề hoạt động thu hút đầu tư của cụm công nghiệp bao gồm: Ngành điện, điện tử, truyền thông; cơ khí; may mặc; thiết bị dụng cụ y tế, dược; chế biến nông lâm sản, thực phẩm; bao bì; công nghiệp chế biến, chế tạo; cho thuê nhà xưởng; công nghiệp hỗ trợ khác.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.