Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm nay ở mức 195.256 tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm gần 101.200 tỷ đồng.
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ảm đạm; tổng giá trị trái phiếu phát hành chỉ đạt 31.658 tỷ đồng với 7 đợt ra công chúng trị và 15 đợt phát hành riêng lẻ.
Sau khi Nghị định 08 được ban hành, thị trường đã ghi nhận một số hoạt động cơ cấu lại nợ theo hướng kéo dài kỳ hạn trái phiếu. Tuy nhiên, dư âm từ năm 2022 và vấn đề nội tại của nhiều doanh nghiệp hiện tại đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến sự trở lại của kênh huy động vốn này.
Nhiều báo cáo cho thấy khối lượng trái phiếu đến hạn sẽ đạt đỉnh trong tháng 6 này và khối lượng chậm thanh toán của doanh nghiệp sẽ lên cao trào vào các quý tới. Theo thống kê, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong thời gian còn lại năm 2023 ở mức 195.265 tỷ đồng trong đó gần 101.200 tỷ đồng đến từ nhóm bất động sản.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản thị trường địa ốc, pháp lý và triển khai dự án. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh trong ngành bất động sản. Dòng tiền, khả năng chi trả các khoản nợ trái phiếu đến hạn cũng bị ảnh hưởng.
Thực tế đã cho thấy, thời gian qua, câu chuyện chậm thanh toán lãi trái phiếu, lùi thời hạn thanh toán cho các lô trái phiếu đến hạn, tranh chấp giữa nhà phát hành và các trái chủ đã trở thành "cơm bữa" từ những doanh nghiệp chưa niêm yết như Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam, Công ty Cổ phần Hưng Vượng... đến những "ông lớn" niêm yết như Bất động sản Phát Đạt, Apax Holdings...
Theo số liệu thống kê của Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, tổng số trái phiếu được hoãn thời gian trả nợ vào khoảng 36.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, thời gian hoãn cũng chỉ một phần nhỏ, trong đó có kéo dài thời gian trả nợ đến tối đa 2 năm theo quy định của Nghị định 08.
Bên cạnh đó, việc hoãn thời gian thi hành một số điều khoản của Nghị định 65 đến ngày 31/12/2023 cũng được xem là một giải pháp "cứu cánh" cho thị trường trái phiếu trong giai đoạn tới nhưng chỉ có tác động rất nhỏ bởi từ nay đến cuối năm 2023 chỉ còn chưa đến 6 tháng. Do vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn.
Giá trị trái phiếu riêng lẻ chiếm tỷ lệ cao
Theo đó, để vực dậy thị trường, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, điều quan trọng là cần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Giải pháp là cần sớm đưa vào hoạt động thị trường giao dịch thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp để tăng tính minh bạch; khuyến khích xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là doanh nghiệp độ rủi ro cao (phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm).