Lượng giao dịch đất nền tại tỉnh Lâm Đồng tăng nhẹ, nhưng về phân khúc chung cư, văn phòng cho thuê, mặt bằng thương mại dịch vụ lại có xu hướng chững lại…
Theo báo cáo của 42/42 tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, trong tháng 7, phân khúc đất nền trên địa bàn có 1.412 giao dịch. Trong đó, 98,7 % là đất nền trong khu dân cư hiện hữu, với 1.395 giao dịch; 1,3% còn lại là 17 giao dịch đất nền phát triển theo các dự án (tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.
Với 1.412 giao dịch, so với tháng 6/2023 (1.319 giao dịch), tại phân khúc đất nền đã tăng 92 giao dịch. Tuy nhiên, số lượng giao dịch đất nền phát triển theo các dự án có xu hướng giảm, từ 34 giao dịch ở tháng 6 giảm còn 14 giao dịch ở tháng 7.
Xét theo địa phương, lượng giao dịch đất nền, tại huyện Bảo Lâm dẫn đầu với 386 giao dịch, đứng sau là huyện Lâm Hà có 273 giao dịch, huyện Đức Trọng có 259, huyện Di Linh có 144 thành phố Bảo Lộc có 108, thành phố Đà Lạt chỉ có 106 giao dịch.
Trong khi đó, phân khúc nhà ở riêng lẻ của tỉnh Lâm Đồng có 148 giao dịch. Lượng giao dịch chủ yếu là nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu, với 145 giao dịch. Riêng nhà ở phát triển theo dự án chỉ có 3 giao dịch. So với tháng 6/2023, lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ trong tháng 7/2023 của tỉnh Lâm Đồng đã giảm 8 giao dịch.
Báo cáo cho thấy, lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ cao nhất thuộc về thành phố Bảo Lộc có 52 giao dịch, thứ hai là huyện Đức Trọng có 47 giao dịch, tiếp đó là thành phố Đà Lạt có 39 giao dịch, huyện Bảo Lâm có 10 giao dịch, huyện Lạc Dương có 1 giao dịch.
Đối với phân khúc căn hộ chung cư, tháng 7/2023 đã có 3 giao dịch, mặc dù còn rất ít nhưng đã có sự mua bán, bởi tháng 6, phân khúc này không hề có giao dịch.
Riêng thị trường cho thuê văn phòng và mặt bằng thương mại, dịch vụ rất trầm lắng. Tháng 7/2023, ở hai phân khúc này chỉ có 47 giao dịch, còn tháng 6/2023 là 61 giao dịch.