Đà giảm của cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát) thời gian qua có một phần tác động lớn của khối ngoại.
Hiện nhà đầu tư nước ngoài này vẫn còn nắm giữ khoảng 1,1 tỷ cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát (tỷ lệ 18,8%).
Theo báo cáo cập nhật đến thời điểm 3/11, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã không còn nằm trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL. Vào thời điểm cuối năm ngoái, HPG vẫn là chủ lực trong danh mục của quỹ ngoại này với tỷ trọng lớn nhất khoảng trên 12%.
Quảng cáo
Thời điểm đó, giá trị tài sản ròng (NAV) của VEIL lên đến hơn 2,6 tỷ USD tương đương giá trị khoản đầu tư vào HPG ước tính vào khoảng 310 triệu USD. Chiếu theo thị giá HPG giai đoạn đó, quỹ ngoại này nắm giữ khoảng 156 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành thép.
Động thái rút vốn khỏi HPG của VEIL diễn ra mạnh mẽ từ đầu tháng 3/2022. Đến giữa tháng 6, VEIL đã bán ròng khoảng 50 triệu cổ phiếu HPG từ đầu năm, qua đó giảm lượng sở hữu xuống còn 106 triệu đơn vị (giá trị 141 triệu USD). Trong đợt Hòa Phát chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% (ngày không hưởng quyền là 17/6), quỹ ngoại đã nhận thêm gần 32 triệu cổ phiếu để nâng lượng nắm giữ lên 138 triệu đơn vị, tuy nhiên giá trị không thay đổi.
Sau đó, VEIL vẫn miệt mài bán cổ phiếu HPG, đặc biệt từ giữa tháng 9. Tính đến ngày 3/11, HPG đã không còn trong top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục của VEIL, tương đương tỷ trọng dưới 3,11% (tỷ trọng của PNJ – cổ phiếu đứng thứ 10). Với NAV chỉ còn 1,54 tỷ USD, giá trị khoản đầu tư vào HPG của VEIL chỉ còn chưa đến 48 triệu USD, tương ứng lượng sở hữu vào khoảng 78 triệu cổ phiếu.
Như vậy ước tính, VEIL đã bán ròng tối thiểu 60 triệu cổ phiếu HPG từ giữa tháng 6, qua đó nâng số lượng bán ròng cổ phiếu HPG từ đầu năm lên khoảng 110 triệu cổ phiếu; chiếm hơn 40% tổng khối lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu đầu ngành thép. Thống kê 9 tháng đầu năm cho thấy, cổ phiếu của Hòa Phát chính là mã bị khối ngoại xả mạnh nhất với giá trị lên đến 7.558 tỷ đồng (hơn 264 triệu đơn vị).