Huawei bàn về chiến lược băng tần hỗ trợ để phát triển 5G thần tốc

Tại “Hội nghị Lộ trình 5G của ASEAN”, Ông Eric Guo, Giám đốc Giải pháp không dây của Huawei Việt Nam, đã có bài phát biểu về “Chiến lược băng tần hỗ trợ và Phát triển 5G Thần tốc”.

“Hội nghị Lộ trình 5G của ASEAN” nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam International Digital Week 2022), do Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 11/10 đến 14/10. Sự kiện quy tụ các lãnh đạo cấp cao, đại diện các bộ ngành của các nước ASEAN cùng nhiều tổ chức quốc tế đến tham gia đối thoại.

Với chủ đề “Đối tác toàn cầu vì tương lai số bền vững”, Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 sẽ tổ chức hàng loạt hội nghị và diễn đàn về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, phát triển 5G, hợp tác bảo vệ dữ liệu, nâng cao kỹ năng số cho người dân.

Tham gia tại phiên họp “Băng tần cho 5G”, ông Eric Guo, Giám đốc Giải pháp không dây của Huawei Việt Nam, chia sẻ: Kỷ nguyên 5G đã sẵn sàng với hệ sinh thái thiết bị ngày càng đầy đủ và ứng dụng trên quy mô lớn. Hơn 70 quốc gia đã ra mắt dịch vụ 5G, đặt nền tảng cho việc triển khai 5G trên toàn thế giới.

Trên 220 mạng 5G với hơn 2,2 triệu trạm phát sóng phục vụ 700 triệu người dùng. Đến năm 2030, dự kiến 5G sẽ đóng góp 960 tỷ USD vào GDP toàn cầu. Bắt kịp dòng chảy của thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng đang bước vào giai đoạn phát triển 5G thần tốc, tiến tới thay thế 50% kết nối 4G vào năm 2030.

Hệ sinh thái thiết bị tăng cả về chất lẫn lượng cũng thúc đẩy 5G tăng tốc nhanh chóng. Hiện có hơn 1.500 thiết bị đầu cuối 5G khả dụng, gần 160 mẫu smartphone trang bị 5G giá chỉ dưới 300 USD, giá trung bình CPE của 5G giảm xuống chỉ còn 150 USD. Điều đó có nghĩa, 5G ngày càng tối ưu hóa chi phí và hiệu suất, dễ dàng tiếp cận người dùng và thương mại hóa mạnh mẽ khi tung ra thị trường.

“Chúng tôi vui mừng khi thấy 5G đã sẵn sàng với nhiều hậu thuẫn làm bệ phóng. Tầm quan trọng của 5G là không thể bàn cãi. 5G là cốt lõi của cạnh tranh kỹ thuật số, nền tảng của chuyển đổi số (kinh tế số, xã hội số, chính phủ số…), chìa khóa để mở cánh cửa tăng trưởng số cho các quốc gia.

5G cho phép các ứng dụng mới có thể chuyển đổi mọi ngành công nghiệp và nền kinh tế, song chúng lại phụ thuộc chặt chẽ vào băng tần truy cập. Cần băng tần trung dưới 6GHz dịch vụ chất lượng cao và dưới 1GHz cho kết nối khắp mọi nơi vào năm 2030 để truy cập băng thông di động nâng cao, truy cập không dây cố định, internet vạn vật, công nghiệp 4.0…”, ông Eric Guo nhấn mạnh.

aria-grand-700x300px.jpg

“Nếu tính nhà mạng đang chưa có tần số 5G thì băng thông tần số của các nhà mạng Việt Nam và Myanmar, Malaysia vẫn nằm dưới mức trung bình của khu vực. Để thành công trong kinh doanh, mỗi nhà mạng cần ít nhất 300MHz băng thông cho tất cả các loại hình dịch vụ”, ông Eric Guo nhấn mạnh.

TDD tần trung là phổ chính cho cho chất lượng dịch vụ đỉnh cao

Để đáp ứng nhu cầu kết nối tần trung, ông Eric Guo cũng chia sẻ dải trung tần TDD (3.5/2.6/2.3/4.9) là phổ chính cho trải nghiệm hàng đầu liền mạch trong thời gian ngắn, với 100MHz trên mỗi nhà mạng (MNO) được khuyến nghị để mở khóa tiềm năng của 5G. Hơn 80% mạng 5G hiện nay được triển khai trên băng tần trung. Hệ sinh thái thiết bị đầu cuối kết nối dải trung TDD cũng đã phát triển đầy đủ, mà phổ biến nhất là 3.5Ghz với 1.061 thiết bị, 2.6Ghz với 973 thiết bị…

6GHz là cần thiết để triển khai 5G trong tầm nhìn dài hạn

Hiện nay thế giới không chỉ triển khai 5G mà do nhu cầu của các dịch vụ, như metaverse, VR, AR… thế giới đang hướng tới triển khai 5,5G thì các nhà mạng cần có thêm nhiều tần số hơn cho 5G. GSMA và 3GPP đề xuất sử dụng băng tần 6GHz để triển khai 5G nâng cao. Đánh giá về băng tần 6GHz, đại diện Huawei nhấn mạnh 6GHz là tiến bộ của 5G và 6GHz sẽ trở thành lựa chọn phổ biến trong vài năm tới, đồng thời kêu gọi hợp tác để điều đó sớm xảy ra.

80% các nhà khai thác di động hàng đầu cũng cho biết họ sẽ triển khai 6GHz cho các dịch vụ IMT. Dự kiến đến năm 2025, các thiết bị và cơ sở hạ tầng IMT 6GHz sẽ có mặt trên thị trường.

700MHz là điều kiện tiên quyết để kết nối 4G + 5G phổ biến trên toàn quốc, là nền tảng cho sự phát triển VoNR và IoT

Tại nhiều quốc gia, dải tần dưới 1GHz (700-900MHz) cũng là lựa chọn phổ biến để triển khai 5G trong thời điểm hiện tại để tăng khả năng phủ sóng trong nhà.

700MHz là băng tần thấp phổ biến cho 5G, chỉ sau băng tần C-Band. Phần lớn ASEAN đã quy hoạch để phân bổ phổ tần 700 MHz cho IMT-2000. Băng tần này có phạm vi phủ sóng rộng hơn nhờ hiệu quả về chi phí triển khai, bao phủ sâu để sử dụng trong nhà, cùng hệ sinh thái thiết bị lớn mạnh. Do đó, 700 MHz là điều kiện tiên quyết của kết nối 4G + 5G phổ biến trên toàn quốc, cũng như làm nền tảng cơ bản cho VoNR (Thoại trên 5G) & IoT.

Sau phần trình bày về 3 dải băng tần chính, ông Eric Guo nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp kết hợp các phổ tần giúp tăng tốc triển khai và sử dụng 5G. Các thế hệ băng tần từ thấp đến cao đều có những lợi thế riêng và kinh nghiệm triển khai, nên cân bằng giữa dung lượng và vùng phủ sóng, tối ưu băng thông liền kề trên mỗi mạng, thúc đẩy phát triển công nghệ kép một mạng theo yêu cầu, trung lập về công nghệ để tiến hóa lên 5G, đẩy mạnh các dịch vụ di động.

“Huawei đã phát hành danh mục sản phẩm và giải pháp 5G đầu cuối duy nhất của ngành dựa trên tiêu chuẩn 3GPP. Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác sâu sắc hơn với các nhà lãnh đạo trong ngành và chính phủ Việt Nam để thúc đẩy triển khai 5G trên quy mô lớn, đồng thời tiếp tục làm việc với các đối tác toàn cầu để đổi mới 5G hơn nữa”, ông Eric Guo nhấn mạnh cam kết của tập đoàn đối với hành trình thúc đẩy phát triển 5G.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.