Kazakhstan là thành viên sáng lập của thị trường chung Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU), tập trung theo đuổi chính sách đối ngoại đa chiều và có mối quan hệ nồng ấm với hầu hết các quốc gia trên khắp thế giới…
Với dân số 19,2 triệu người và diện tích bằng phần lớn Tây Âu, Kazakhstan là quốc gia lớn thứ chín thế giới và quốc gia không giáp biển rộng nhất hành tinh. Sau khi tách khỏi khối Liên Xô cũ, Kazakhstan nhanh chóng vươn lên với tốc độ phát triển nhanh nhất trong các quốc gia vùng Trung Á.
Với trữ lượng khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ và tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Kazakhstan nắm trong tay vị thế của một đất nước giàu có nhất khu vực.
NỀN KINH TẾ ĐẦY TIỀM NĂNG
Kazakhstan có nền kinh tế định hướng xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào vận chuyển dầu và các sản phẩm liên quan (chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Kazakhstan là nước sản xuất uranium lớn nhất thế giới và sở hữu trữ lượng khổng lồ bao gồm nhiều kim loại quan trọng như vàng, sắt, crom, đồng, kẽm, vanadi và đất hiếm. Kazakhstan cũng có trữ lượng dầu lớn thứ hai và sản lượng dầu lớn thứ hai sau Nga trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Tổng giá trị của khoảng 5.000 mỏ khoáng sản ở Kazakhstan ước tính có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ USD.
Trung Quốc, Ý, Nga, Hà Lan, Uzbekistan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp là những điểm đến xuất khẩu chính của Kazakhstan.
Giá dầu toàn cầu tăng mạnh đã cải thiện đáng kể cán cân thương mại của Kazakhstan và giảm thâm hụt tài khoản vãng lai xuống 3% GDP vào năm 2021 (từ 3,8% vào năm 2020).
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, tác động lan tỏa từ vấn đề kinh tế tại Nga có khả năng làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Kazakhstan, làm suy yếu dòng chảy thương mại và làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của nước này. Tăng trưởng GDP thực tế vào năm 2023 dự kiến ở mức 3,5-4,0%.
Gián đoạn thương mại, niềm tin kinh doanh giảm và biến động tiền tệ cũng có thể sẽ làm hạn chế đến nền kinh tế Kazakhstan. Ngoài ra, thiệt hại do bão tháng 3 tại khu vực Biển Đen của Nga đã ảnh hưởng tới đường ống dẫn dầu chính của nước này, CPC, mà qua đó khoảng 80% lượng dầu của Kazakhstan được xuất khẩu.
Bất chấp những thách thức toàn cầu đang diễn ra, nền kinh tế Kazakhstan vẫn tăng trưởng 4,6% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay và là nền kinh tế lớn nhất ở Trung Á.
Sự gia tăng về thu nhập bình quân và tầng lớp trung lưu ở Kazakhstan đang ngày càng thúc đẩy nhu cầu về chất lượng tiêu dùng và thương hiệu uy tín. Trên thực tế, lượng hàng hóa giá rẻ của Nga và Trung Quốc vẫn chảy qua biên giới Kazakhstan, nhưng những sản phẩm cao cấp cũng đang thu hút nhu cầu lớn. Người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu có chất lượng và sự đổi mới cao hơn.
“Hiệu suất kinh tế mạnh mẽ đã được ghi nhận trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước chủ yếu được thúc đẩy bởi tiêu dùng và đầu tư”, Tiến sĩ Alexandra Bykova, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna lưu ý.
Có thể khẳng định, Kazakhstan nắm trong tay nhiều điểm mạnh của một quốc gia đang phát triển, với diện tích đất rộng, có tiềm năng phát triển nông nghiệp và năng lượng tái tạo; vị trí địa lý nằm ở ngã tư giao thông khu vực và lực lượng lao động trẻ, năng động và có trình độ học vấn.
THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ THƯƠNG MẠI XUYÊN BIÊN GIỚI
Trong khi các ngành công nghiệp khai thác có lịch sử thống trị nền kinh tế Kazakhstan, nhưng chính phủ nước này ngày càng thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài, khởi nghiệp và chuyển đổi kỹ thuật số.
Kazakhstan đã thu hút hơn 320 tỷ USD vốn FDI trong 30 năm qua và hiện có 14 Đặc khu kinh tế với các ưu đãi về thuế và chế độ pháp lý đặc biệt. Cụ thể, Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) được ra mắt vào năm 2018 cho phép các doanh nghiệp giải quyết tranh chấp dân sự và thương mại trong khuôn khổ pháp lý dựa trên thông luật của Anh.
“Toàn bộ ý tưởng thành lập AIFC cho thấy Kazakhstan thuận lợi như thế nào đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta gần như đang nói về một lãnh thổ ngoài khơi - ngay cả theo Hiến pháp, AIFC có quyền ngoại trị. Đây là một tín hiệu cho thấy niềm tin mạnh mẽ giữa chính phủ Kazakhstan và các nhà đầu tư nước ngoài”, Tiến sĩ Kuat B. Akizhanov, giáo sư kinh tế tại Đại học KazGUU ở Astana chia sẻ với báo giới.
Khi các công ty phương Tây tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng thông qua Nga, thì mối quan tâm đến các tuyến thương mại thay thế cũng tăng vọt
Tuyến thương mại xuyên Caspian (tên gọi khác: Middle Corridor - Hành lang Trung Á) với sự tham gia của Kazakhstan, đã tăng 250% vào năm ngoái, đạt 1,5 triệu tấn hàng hoá. Nhưng để so sánh, cơ sở hạ tầng hiện tại chỉ có thể vận chuyển 5% khối lượng thương mại được xử lý bằng đường sắt trên khắp nước Nga.
Sự gia tăng khối lượng trong năm ngoái đã bộc lộ những yếu điểm và nút thắt chưa tháo gỡ, từ đó làm gia tăng chi phí giao dịch và cản trở việc hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng dự kiến. Bởi lẽ, các quốc gia thuộc Hành lang Trung Á (gồm có Kazakhstan, Azerbaijan và Georgia) vẫn còn thiếu liên minh hải quan, điều phối thuế quan chung cũng như hội nhập kỹ thuật số xuyên quốc gia. Chính phủ Kazakhstan đang ưu tiên giải quyết những vấn đề này.
Một nghiên cứu mới về kết nối giao thông bền vững giữa Châu Âu và Trung Á - do Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) thực hiện và Liên minh Châu Âu chủ trì và tài trợ - đã xác định Tuyến thương mại xuyên Caspian là mạng lưới giao thông thuận lợi nhất. Tuy nhiên, nghiên cứu nhấn mạnh rằng, không chỉ cơ sở hạ tầng cứng mà cả kết nối mềm - ví dụ như quy định, số hóa và các dịch vụ cần thiết để duy trì sự tích hợp lâu dài, bền vững của mạng lưới - cũng sẽ là chìa khóa cho sự phát triển của tuyến và khu vực.
“Đầu tư cơ sở hạ tầng cứng vào các cảng Aktau và Kuryk, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần tại các sân bay chính đã được Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev ưu tiên trong bài phát biểu trước toàn thể quốc gia vào tháng 9. Ông Tokayev luôn coi ngành vận tải và hậu cần là động lực tăng trưởng chính của đất nước”, Tiến sĩ Alexandra Bykova của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna chỉ ra.
Nhìn chung, nền tảng của nền kinh tế Kazakhstan được đánh giá là khá vững chắc. Viện Vienna dự báo tăng trưởng GDP thực tế sẽ tăng nhẹ từ mức 3,2% vào năm 2022 lên 3,5% vào năm 2023, nhờ đầu tư và tiêu dùng cá nhân, sau đó tăng tốc vào năm 2024 và 2025 khi lạm phát giảm và tiêu dùng phục hồi.