Kinh tế nửa cuối năm có tốt hơn?

Chuyên gia của HSBC nhận định, Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay.

Những kết quả kinh tế gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đang chậm hơn so với kỳ vọng, nhưng điều này không có nghĩa câu chuyện phục hồi bị “lạc nhịp”.

Trên thực tế, Việt Nam vẫn duy trì vững vàng lộ trình phục hồi với mũi nhọn dẫn đầu là triển vọng thương mại tươi sáng hơn, chủ yếu là nhờ một đợt đi lên của chu kỳ hàng điện tử.

Không chỉ chu kỳ thương mại ngắn hạn xoay chiều mà triển vọng FDI dài hạn tích cực cũng tiếp tục kéo dài.

Tuy nhiên, vẫn còn chặng đường dài phía trước nếu Việt Nam muốn lấy lại tăng trưởng như trước đại dịch.

Trong cuộc trò chuyện mới đây, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Ngân hàng HSBC, đã nhận định về một số yếu tố đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cùng một số khuyến nghị cho nửa cuối năm.

Bà đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay? Dự báo tăng trưởng cho Việt Nam là bao nhiêu?

Bà Yun Liu: HSBC dự báo tăng trưởng cho Việt Nam năm nay là 6%.

Mặc dù vẫn còn nhiều chuyển biến trong thời gian tới và kết quả quý I giảm nhẹ so với đánh giá, Việt Nam có thể thấy sự phục hồi trên diện rộng nếu giải ngân đầu tư công cao hơn và khu vực bên ngoài tác động lan tỏa nhiều hơn vào trong nước trong nửa cuối năm.

Kinh tế nửa cuối năm có tốt hơn?
Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế thuộc Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Ngân hàng HSBC

Chúng ta còn hơn nửa năm nữa và tôi tin rằng mức tăng tăng trưởng 6% vẫn có thể đạt được.

Nhìn vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam so với các nước ASEAN khác, Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi kinh tế. Năm 2023 là một năm đầy thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả các nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

Nửa năm qua, mặc dù thương mại đang dẫn đầu đà phục hồi và Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi chính, sự phục hồi trong mảng công nghệ vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Điều này diễn ra giữa bối cảnh phục hồi hạn chế ở châu Á, và với Việt Nam, đà trở lại phụ thuộc nhiều vào ngành điện tử tiêu dùng.

Tôi kỳ vọng sự phục hồi trên diện rộng sẽ diễn ra vào nửa cuối năm nay và Việt Nam được đánh giá sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong 2024.

Theo bà, đâu sẽ động lực chính của kinh tế Việt Nam sắp tới?

Bà Yun Liu: Thứ nhất, thương mại chắc chắn là động lực chính cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến nhiều bước ngoặt, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử trong nước.

Thứ hai, lĩnh vực tiêu dùng đang phục hồi dù tốc độ còn khá chậm.

Thứ ba, với Việt Nam, xuất khẩu sẽ đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng. Xuất khẩu cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho nhu cầu trong nước.

Một động lực khác là du lịch. Ngành du lịch đã ghi nhận nhiều kết quả tốt từ đầu năm tới nay.

Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, trong ASEAN, Việt Nam đang thực sự phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về thu hút khách du lịch. Các quốc gia khác đã đưa ra các chương trình miễn thị thực cho nhiều đối tượng khách hoặc giảm rào cản trong việc xin thị thực.

Với FDI thì sao, thưa bà? Việt Nam hiện đang ở vị trí như thế nào trong thu hút thêm đầu tư?

Bà Yun Liu: Chúng ta đã nói nhiều về những thách thức từ thương mại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chu kỳ thương mại đến rồi đi, trong khi FDI phản ánh niềm tin lâu dài của các nhà đầu tư vào các nền tảng cơ bản của một quốc gia.

Trong lĩnh vực này, tôi cho rằng, Việt Nam vẫn đang ở vị thế tốt với chính sách thu hút FDI thân thiện với các nhà đầu tư và các cụm công nghiệp đã được hình thành. Những dữ liệu gần đây chứng minh rằng, dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam.

Nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy FDI dịch chuyển như một số ngành tập trung nhiều vốn hơn hay sự thay đổi trong nguồn FDI so với 2 - 3 năm trước.

Kinh tế nửa cuối năm có tốt hơn? 1
Việt Nam vẫn đang ở vị thế tốt trong thu hút FDI. Ảnh: Hoàng Anh

Theo bà, Việt Nam có nên tăng lãi suất để hỗ trợ VND?

Bà Yun Liu: Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không có thêm động thái nào liên quan đến lãi suất ở thời điểm hiện tại.

Trước đó, NHNN là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên tại châu Á cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

Hiện tại, tôi không nghĩ việc tăng lãi suất sẽ khả thi tại Việt Nam, bởi nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng và các giai đoạn phục hồi, Việt Nam hiện vẫn ở giai đoạn đầu.

Tôi cho rằng lập trường ủng hộ tăng trưởng là ưu tiên của NHNN trong năm nay.

Một số ý kiến cho rằng việc tăng lãi suất có thể hỗ trợ đồng nội tệ, nhưng đó không phải là thuốc chữa bách bệnh. Theo quan sát của HSBC đối với các ngân hàng trung ương khác, việc tăng lãi suất hỗ trợ đồng nội tệ không rõ ràng, và thậm chí, gia tăng áp lực lên vấn đề thanh khoản - điều mà tôi không cho rằng NHNN muốn thực hiện vào thời điểm này.

Với lạm phát thì sao, thưa bà?

Bà Yun Liu: Chúng ta đang thấy sự cân bằng mong manh giữa thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. Dữ liệu gần nhất cho thấy lạm phát đã tăng lên 4,4%, gần chạm mức trần 4,5%.

Hai nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng lạm phát là giá thực phẩm và giá năng lượng - yếu tố bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường hàng hóa toàn cầu.

Điều này nhắc nhở chúng ta về tính nhạy cảm của kinh tế Việt Nam trước những biến động trên thị trường hàng hóa toàn cầu. Hơn nữa, hai yếu tố trên còn tác động lan tỏa tới các vấn đề khác.

Gần đây, giá dầu thế giới đã giảm nhẹ nhưng áp lực lạm phát vẫn còn đó. Tôi hy vọng rằng áp lực này sẽ dần giảm bớt vào nửa cuối năm.

Đối với bất kỳ ngân hàng trung ương nào, họ đều xem xét kỳ vọng lạm phát dài hạn hoặc trung hạn khi thiết lập chính sách tiền tệ. Vì vậy, áp lực lạm phát hiện đang tồn tại trong ngắn hạn nhưng chưa đủ để thúc đẩy NHNN tăng lãi suất.

Về đầu tư công thì sao, bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua?

Bà Yun Liu: Đầu tư công là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Đây là dòng vốn rất quan trọng đối với sự tăng trưởng, đặc biệt là về phát triển cơ sở hạ tầng - vấn đề cơ cấu dài hạn mà chính phủ Việt Nam muốn giải quyết.

Chìa khóa ở đây là cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công.

Khi nhìn vào các trụ cột tăng trưởng khác, câu chuyện xuất khẩu hiện nay vẫn đang ở giai đoạn phục hồi ban đầu, tiêu dùng có thể không diễn biến tốt như người dân kỳ vọng.

Vì vậy, đã đến lúc phần đầu tư công phải dẫn đầu. Điều quan trọng là việc thực hiện hoặc làm thế nào để giải ngân vốn nhanh hơn.

Cảm ơn bà! 

Rủi ro lớn nhất từ tỷ giá tăng

Tin liên quan

Kinh tế Việt Nam còn nhiều cơ hội

Kinh tế Việt Nam còn nhiều cơ hội

Dù không đạt được một số chỉ tiêu về kinh tế xã hội trong quý I/2024 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phục hồi đà tăng trưởng, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Cơ hội kinh doanh tại phố đi bộ ven sông dài và đẹp nhất Việt Nam

Cơ hội kinh doanh tại phố đi bộ ven sông dài và đẹp nhất Việt Nam

Với sự xuất hiện của phố đi bộ ven sông dài và đẹp nhất Việt Nam trong lòng Vinhomes Royal Island, du lịch Hải Phòng sẽ không chỉ nổi tiếng với foodtour mà còn mang đến cho du khách trải nghiệm hoàn chỉnh gồm ẩm thực, khám phá, giải trí, mua sắm thời thượng chỉ tại một điểm đến. Cơ hội hiếm có cũng rộng mở cho các nhà đầu tư, thương nhân đất Cảng.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.