Nhiều điểm sáng, mô hình hay đã xuất hiện trong đầu năm nay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng; xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; triển khai "trợ lý ảo" trong ngành tòa án…. Kinh tế số đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, tỷ trọng kinh tế số/GDP nửa đầu năm nay đạt gần 15%.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trong đó tập trung vào số hóa, làm giàu và kết nối dữ liệu; tăng cường bảo vệ dữ liệu; đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các "điểm nghẽn" nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.
Nhiều điểm sáng, mô hình chuyển đổi số hay
6 tháng đầu năm nay đã xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng, xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai "trợ lý ảo" trong ngành tòa án; tăng tốc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Đơn cử như việc thử nghiệm ‘trợ lý ảo’ tại tòa án đóng vai trò như một thư ký riêng, am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân.
Việc sử dụng "trợ lý ảo" đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian tra cứu, tìm kiếm, nghiên cứu, xử lý, ra quyết định đối với các vụ án được đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật. Đến tháng 6/2023, Tòa án nhân dân Tối cao đã cung cấp hơn 11.600 tài khoản cho thẩm phán và cán bộ, công chức của toà án sử dụng trợ lý ảo…
Điều đó cho thấy kinh tế số đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, tỷ trọng kinh tế số/GDP nửa đầu năm nay đạt gần 15%.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo tại hội nghị - Ảnh: Nhật Bắc
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm nay về chuyển đổi số quốc gia ngày 12/7, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế Tier-3, hiện được phát triển theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây.
Tỉnh quyết tâm trong năm 2023, 100% thủ tục hành chính của tỉnh Quảng Ninh đều được rút ngắn từ 30% - 70% thời gian giải quyết so với quy định; hơn 60% hồ sơ được giải quyết trước hạn.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án (Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh) của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên), với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD.
Cả 2 dự án đều được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh (rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định).
Cơ sở dữ liệu quốc gia đang dần được hoàn thiện
Về cơ sở dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến tháng 6 đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư.
Đã tiếp nhận tổng số 1.014.473.517 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân. Trong đó, số yêu cầu tra cứu, xác thực có thông tin đúng (100% trùng khớp các thông tin) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 604.825.046 yêu cầu; có thông tin sai lệch là 409.648.471 yêu cầu.
Việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hạn chế việc di chuyển; thời gian chờ đợi; hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực, xác minh thông tin trên giấy tờ tùy thân; tinh gọn cán bộ, công chức tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng "tham nhũng vặt"..., giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với tiến độ thần tốc (trong vòng 6 tháng đạt khoảng 95% cơ quan, đơn vị) so với thời gian để các cơ sở dữ liệu quốc gia trước đó đạt mức độ bao phủ tương tự.
96 bộ, ngành, địa phương (33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố) đã hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về cơ sở dữ liệu quốc gia đến thời điểm này là 2.087.114 hồ sơ (trong đó bộ, ngành là 132.626/253.837 hồ sơ, đạt 50,25%), địa phương là 1.974.488/2.030.095 hồ sơ, đạt 96,28%).
Về hạ tầng số, đáng chú ý, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Lũy kế đến nay, cổng có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái)…