Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank – mã chứng khoán: TPB) gây chú ý với các mục tiêu kinh doanh vượt trội trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động…
TPBank hướng tới lợi nhuận 8.700 tỷ đồng trong năm 2023
Lý giải cho kỳ vọng này, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank cho rằng, môi trường kinh doanh năm 2023 của ngành ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong khó khăn sẽ có nhiều cơ hội và TPBank đủ tự tin để nắm được các cơ hội này nhờ thành công của quá trình chuyển đổi số thời gian qua.
Quả ngọt từ chuyển đổi số
“Tiên phong đi trước về chuyển đổi số không chỉ nâng tầm các dịch vụ và sản phẩm của TPBank, đem lại giá trị cho khách hàng mà qua đó tối ưu được chi phí hoạt động, giúp ngân hàng kinh doanh hiệu quả hơn, đảm bảo chất lượng tín dụng an toàn cũng như chủ động thích ứng, sẵn sàng tâm thế cho giai đoạn chiến lược tiếp theo”, ông Phú nói.
Vị Chủ tịch của TPBank cũng không giấu tham vọng sẽ tăng thêm 5 triệu khách hàng mới trong năm 2023, tập trung tăng tỷ lệ active khách hàng với số sản phẩm trên mỗi khách hàng cao hơn và giữ chân khách hàng với những sản phẩm, dịch vụ tốt.
Được biết, trong năm 2022, ngân hàng có thêm 3,7 triệu khách hàng mới, nâng tổng số lượng khách hàng cá nhân lên 8,5 triệu người sử dụng tài khoản thanh toán, tương đương với 60% tăng trưởng.
Kết quả này đến từ việc đồng bộ tiếp cận khách hàng đa kênh và đa lực lượng, hỗ trợ hiệu quả trên nền tảng công nghệ eKYC và hệ sinh thái kết nối. Công nghệ cũng giúp gia tăng gấp đôi về năng lực phục vụ khách hàng giao dịch cùng lúc tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày trên toàn bộ các kênh giao dịch của TPBank.
Đồng thời, năm 2022, TPBank nâng tổng số lượng chi nhánh/ phòng giao dịch lên trên 120 điểm. Gần 30 điểm giao dịch mới đi vào hoạt động trong 1 năm cũng là tốc độ kỷ lục trong lịch sử ngân hàng. Năm 2022, hoạt động thẻ tín dụng của TPBank cũng bùng nổ với doanh số gấp đôi nhờ đi đầu ứng dụng sản phẩm sáng tạo.
Đặc biệt, dịch vụ tài chính số TPBank DICO đứng đầu thị trường vay mua trước trả sau. Chỉ sau 1 năm hoạt động, TPBank có được hơn 1,1 triệu khách hàng thường xuyên sử dụng và ưa chuộng dịch vụ này. Riêng các dòng sản phẩm vay tiền mặt, mua hàng trả góp qua hợp tác với Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã giúp gần 25% khách hàng ở các khu vực vùng xa chưa từng được tiếp cận với các sản phẩm tải chính của TPBank.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank Quảng cáo
Chia sẻ tại đại hội về năm 2022, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tốt với lợi nhuận trước thuế 7.828 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Đồng thời, tổng tài sản tăng hơn 12% và cán mốc gần 329.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới mức 1 %.
Nhìn chung, với nền tảng vững chắc từ quá trình chuyển đổi số, Đại hội đồng cổ đông TPBank đã thông qua kế hoạch năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ở mức 8.700 tỷ đồng, tăng 11%; tổng tài sản dự kiến tăng 7% lên 350.000 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tăng 6% lên 306.960 tỷ đồng.
Riêng về kết quả quý 1/2023, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối trở thành điểm sáng với lợi nhuận đạt khoảng 150 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt trên 3.600 tỷ đồng, riêng thu nhập lãi thuần từ dịch vụ đạt 696 tỷ đồng, tăng 36% nhờ sự đa dạng hóa dịch vụ cũng như sự tăng trưởng về quy mô hoạt động của ngân hàng.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, đại hội cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng, tương đương tăng 39% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2023.
Nợ xấu trong vùng kiểm soát
Chia sẻ thêm về nợ xấu, ông Nguyễn Hưng cho biết, tỷ lệ nợ xấu trong quý 1/2023 có xu hướng tăng lên. Bởi lẽ, khi khách hàng có nợ xấu ở ngân hàng khác, TPBank cũng buộc phải đưa khách hàng này vào nhóm nợ cao hơn dù họ vẫn trả đầy đủ.
“TPBank sẽ theo sát về nợ xấu và nợ nhóm 2 và có kế hoạch cụ thể để tăng cường công tác thu hồi nợ. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng lường trước khó khăn để quản trị tốt nhất về chất lượng tài sản để đảm bảo tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu trong mức cho phép để đảm bảo an toàn”, ông Hưng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại diện TPBank thông tin, hầu hết các khoản trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng đều có tài sản bảo đảo và đều có sự quản lý nghiêm ngặt như các khoản vay. Việc trích lập dự phòng và phân loại nợ được thực hiện theo đúng yêu cầu quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các khoản trái phiếu này không có quá nhiều, chỉ chiếm trên dưới 10% tổng dư nợ và đều được quản lý tốt và không có vấn đề gì xấu xảy ra với các khoản này.
Đối với dự án The Grand Manhattan của Novaland, đây là dự án duy nhất đã được tháo gỡ pháp lý và đã hoàn thành phần cất nóc cũng như triển khai kinh doanh tiếp. Hiện dự án đã bán được gần 90%, chỉ còn 10% và kể cả giảm giá xuống tối đa thị trường vẫn thừa khả năng trả nợ.
“Về chủ trương, TPBank chỉ tài trợ cho các nhà thầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công trình. Còn với trường hợp này phần phải thu của khách đã mua nhà từ trước còn rất lớn, dư sức để trả nợ. Quan trọng hơn, TPBank không sở hữu trái phiếu nào của Novaland, còn danh mục trái phiếu đầu tư của Chứng khoán ORS thì thuộc phạm vi của ORS không phải của ngân hàng”, ông Hưng nói.
Bổ sung vấn đề trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến cổ đông lớn Doji tại Chứng khoán ORS, ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch TPBank chia sẻ, hiện Tập đoàn Doji đã tất toán toàn bộ trái phiếu tại chứng khoán ORS vào cuối năm ngoái.