Diễn biến mới đang xảy ra trên thị trường lãi suất tiết kiệm, khi nhiều ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa, nhỏ giảm lãi suất nhanh, mạnh và thấp hơn nhóm ngân hàng Big 4…
Làn sóng giảm lãi suất huy động chưa có dấu hiệu chững lại. Theo khảo sát biểu lãi suất tiết kiệm tại 28 ngân hàng thương mại trong nước, hầu hết các ngân hàng tư nhân từ cuối tháng 7 đến nay đều đồng loạt giảm lãi suất. Riêng 4 ngân hàng quốc doanh vẫn giữ nguyên lãi suất trong một tháng qua.
LÃI SUẤT HUY ĐỘNG NGÂN HÀNG NÀO CAO NHẤT?
Trong đó, MSB là ngân hàng điều chỉnh mạnh tay nhất từ đầu tháng 8. Các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng được MSB hạ 1 điểm phần trăm, đưa mức lãi suất huy động cao nhất về còn 6%/năm.
Tại biểu lãi suất huy động mới của ngân hàng Bac A Bank, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ đồng loạt giảm 0,2 – 0,25 điểm phần trăm so với trước đó.
Hiện mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng đang áp dụng là 6,95%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với số tiền gửi trên 1 tỷ đồng. Với mức điều chỉnh này, Bac A Bank sẽ là ngân hàng tiếp theo đưa lãi suất huy động xuống dưới mức 7%/năm.
Tương tự, tại ngân hàng Sacombank, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm 0,2 - 0,8 điểm phần trăm so với biểu lãi suất cũ, đặc biệt giảm mạnh tại các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, đối với hình thức gửi tiền trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đã giảm từ 4,75%/năm xuống còn 3,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,75% xuống 4,1%/năm.
Đối với kỳ hạn 6 tháng khi gửi online, lãi suất huy động của Sacombank giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 5,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 6,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 6,5%/năm.
Ngân hàng Techcombank cũng thay đổi biểu lãi suất huy động mới khi giảm 0,1 điểm phần trăm ở loạt kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất cao nhất tại Techcombank chỉ còn 6,3%/năm, áp dụng với khách hàng ưu tiên gửi tiền kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo hình thức online và số tiền từ 3 tỷ đồng trở lên.
Một ngân hàng khác là VietABank cũng giảm 0,1 - 0,3 điểm phần trăm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong đó, mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng là 7%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Trước đó, ngân hàng này đã có một đợt giảm lãi suất tiền gửi vào ngày 8/8 với mức điều chỉnh 0,3 – 0,4 điểm phần trăm tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Cùng diễn biến, ngân hàng ACB cũng vừa công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới. Hiện các khoản tiền gửi kỳ hạn phổ biến từ 6 tháng trở lên tại ngân hàng này chỉ còn tối đa 6,2%/năm thay vì mức 6,4 - 6,5%/năm như trước. Thêm vào đó, để nhận được mức lãi suất này, khách hàng cần gửi số tiền từ 5 tỷ đồng trở lên.
Theo ghi nhận, mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường đang được niêm yết ở mức 8,3%/năm – triển khai tại DongA Bank, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 1 tỷ trở lên.
Đa phần, các ngân hàng đều đưa lãi suất về mức dưới 7%/năm, tuy nhiên vẫn xuất hiện một số ngân hàng ấn định lãi suất từ 7%/năm trở lên. Điển hình như VietABank, BaoVietBank, CBBank, NCB, PVComBank, NamABank, HDBank, BacABank, Kienlongbank, DongABank.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nhóm ngân hàng tư nhân liên tục điều chỉnh giảm, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank không còn là những ngân hàng có lãi suất thấp nhất thị trường. Chẳng hạn như Eximbank có lãi suất cao nhất chỉ 6%/năm, áp dụng cho hình thức tiết kiệm online kỳ hạn từ 6 tháng trở lên; hay như ACB với lãi suất huy động cao nhất chỉ 6,2%/năm.
Hiện tại, các “ông lớn” trong nhóm Big4 vẫn duy trì lãi suất ổn định, với mức lãi suất tiền gửi cao nhất là 6,3%/năm, được áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3 - 4%/năm, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động giảm mạnh sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cộng với bối cảnh ngân hàng "thừa tiền" khi khó cho vay. Mặt bằng lãi suất hiện về ngang với giai đoạn nửa đầu 2022.
Trong bối cảnh lãi suất đầu vào đã hạ nhiệt nhanh và mạnh, Ngân hàng Nhà nước gần đây yêu cầu các nhà băng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5 - 2%, theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
CÁC NGÂN HÀNG TIẾP TỤC ƯU ĐÃI LÃI SUẤT CHO VAY
Sau văn bản của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất từ 1,5% - 2% để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều ngân hàng đã lập tức triển khai nhiều chương trình giảm lãi suất trực tiếp cho khách hàng hiện hữu và các khoản cho vay mới thông qua nhiều gói tín dụng ưu đãi.
Như với SHB, ngân hàng này đang triển khai gói ưu đãi tín dụng trị giá 6.000 tỷ đồng với mức lãi suất giảm 2% so với mức thông thường cho các khách hàng mới. Với các khoản vay hiện hữu sẽ được ưu đãi lãi suất từ 0,5 - 1%. Ngoài ra, ngân hàng cũng có các gói ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Trong khi đó, bên cạnh một số gói ưu đãi cho khách hàng thì TP Bank cũng giảm thêm cho các khách hàng hiện hữu, tuỳ đối tượng và sản phẩm, với mức giảm từ 0,5 - 1%. Một số ngành nghề thuộc lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi lên đến 3%. Không chỉ với khách hàng doanh nghiệp, đối với các khoản vay cá nhân phục vụ mục đích mua nhà, mua xe, ngân hàng cũng dành ra mức ưu đãi lãi suất giảm tới 2%, còn từ 8-8,5%/ năm.
Không chỉ hạ lãi suất, một số ngân hàng cũng thực hiện rà soát điều kiện cho vay giúp giảm thời gian thẩm định cấp tín dụng cho khách hàng. Đồng thời, đưa các sản phẩm cho vay lên kênh online, giúp khách hàng dễ dàng và chủ động hơn khi tiếp cận khi nhận diện điều kiện vay vốn.
Không chỉ riêng các ngân hàng thương mại cổ phần, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước cũng tích cực triển khai các gói ưu đãi lãi suất.
Đơn cử Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay lần thứ 3 trong năm với mức giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Thời gian áp dụng trong 5 tháng từ ngày 1/8/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Trước đó, Vietcombank cũng triển khai 2 chính sách giảm lãi suất cho vay khách hàng. Lũy kế đến hết 30/6/2023, ngân hàng này giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ.
Agribank cũng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi khách hàng xuất, nhập khẩu năm 2023. Lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank, tương ứng đối với từng dải kỳ hạn. Quy mô chương trình lên tới 25.000 tỷ đồng.
Đối với BIDV, gói tín dụng 20.000 tỷ đồng đang triển khai dành cho lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại, áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng. Còn VietinBank đã tăng quy mô gói ưu đãi lãi suất SME lên 15.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất cho vay với lãi suất ưu đãi mới từ 6,8%/năm.