Chứng khoán Mỹ đã khép lại ngày giao dịch 19/5 khá yếu ớt khi các cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ ở Washington tiếp tục bị tạm hoãn…
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 109,28 điểm, tương đương 0,33%, còn 33.426,63 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 6,07 điểm, tương đương 0,14%, còn 4.191,98 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 30,94 điểm, hoặc 0,24%, xuống 12.657,90 điểm.
Mặc dù ba chỉ số chứng khoán chính đều kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ nhưng tất cả đều ghi nhận mức tăng hàng tuần, nhờ vào dữ liệu kinh tế vững chắc và một mùa thu nhập tốt hơn mong đợi. Trong tuần, chỉ số Dow tăng 0,38%, S&P 500 tăng 1,65% và Nasdaq tăng 3,04%. S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức tăng phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ tuần cuối cùng của tháng Ba.
Các cổ phiếu đã tăng điểm trong hai phiên vừa qua do niềm tin về việc sớm đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ của Mỹ, với điểm chuẩn S&P 500 tăng hơn 2%. Nhưng đà tăng đã hoàn toàn bị đảo ngược vào cuối phiên 19/5 do các báo cáo cho
thấy cuộc đàm phán trần nợ đã đi vào bế tắc khiến thị trường chao đảo, ngay cả khi các nhà đầu tư xem xét kỹ lưỡng nhận xét của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell để tìm manh mối về quyết định lãi suất vào tháng tới.
Theo đó, triển vọng lãi suất vẫn là không chắc chắn. Ông Powell cho biết vẫn chưa rõ liệu có cần tăng thêm lãi suất hay không vì ngân hàng trung ương đang cân nhắc tác động của các lần tăng lãi suất trước đây, điển hình như những rắc rối trong lĩnh vực ngân hàng.
Một trong những điều khác gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường là báo cáo của CNN cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói với các CEO ngân hàng rằng có thể cần phải sáp nhập nhiều ngân hàng hơn sau một loạt sự sụp đổ gần đây.
Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực, những ngân hàng đầu tiên trong ngành cảm nhận được tác động từ chính sách thắt chặt của Fed, cùng suy giảm. Chỉ số Ngân hàng khu vực KBW trượt gần 2,17% trong phiên. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn tăng 6,2% trong tuần khi các nhà đầu tư cho rằng tinhg hình hỗn loạn phần lớn đã được kiềm chế cho đến thời điểm hiện tại.
Cổ phiếu của Morgan Stanley mất 2,66% sau khi Giám đốc điều hành James Gorman thông báo ông sẽ từ chức trong 12 tháng tới.
Ở các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ, Foot Locker Inc sụt giảm mạnh và chịu mức giảm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 25/2/2022 khi công ty cắt giảm dự báo lợi nhuận và doanh thu hàng năm. Tương tự, các đối tác khác trong ngành thời trang thể thao như Nike Inc và Under Armour cũng lần lượt giảm 3,46% và 4,2%.
Bản dự báo của Foot Locker kết thúc một tuần thận trọng từ các nhà bán lẻ, bao gồm cả Target Corp, Home Depot Inc và TJX Companies Inc, phản ứng xu hướng người tiêu dùng đang dần thích nghi với lạm phát cao liên tục và lãi suất cao hơn.
Trong ngày, khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 9,86 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 10,62 tỷ cổ phiếu cho cả phiên trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Ở các khu vực khác, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,66% và chỉ số chứng khoán của MSCI trên toàn cầu tăng 0,13%. Chỉ số DAX của Đức đạt mức cao kỷ lục khi hy vọng đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư. Ngày giao dịch của châu Âu kết thúc trước khi có báo cáo rằng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ.
Cổ phiếu thị trường mới nổi mất 0,07%. Chỉ số rộng nhất của MSCI về cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đóng cửa cao hơn 0,18%, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,77%.