Sáng 5/6, tại phiên làm việc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có nhiều điểm mới. Ảnh minh hoạ
Theo đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương với 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã tăng hơn 13 điều. Trong đó bãi bỏ 7 điều trong Luật hiện hành gồm Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172, giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 điều; bổ sung mới 34 điều; luật hóa từ nghị định 11 điều.
Về sở hữu nhà ở: So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới. Thứ nhất, bổ sung một số khái niệm mới, như nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp; nhà lưu trú công nhân; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở.
Thứ hai, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm mới như ký kết các văn bản huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc tiền mua nhà ở trả trước cho phát triển nhà ở; một số hành vi trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Thứ ba, bổ sung quy định về áp dụng Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan; quy định về chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở.
Về phát triển nhà ở: So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới là sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành, trong đó có đưa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên Luật như phát triển nhà ở; phát triển nhà ở thương mại; phát triển nhà ở công vụ; phát triển nhà ở phục vụ tái định cư; trách nhiệm quản lý chất lượng nhà ở; yêu cầu về phát triển nhà ở của thành viên hộ gia đình, cá nhân tại khu vực nông thôn; thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Cùng với đó, bổ sung mới quy định theo hướng đưa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên Luật và hợp nhất một số nội dung từ các quy định của pháp luật liên quan như quá trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở; yêu cầu trong phát triển dự án xây dựng nhà ở.
Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư: Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã luật hóa một số quy định từ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP lên luật để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đối với chính sách về nhà ở xã hội: So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới, cụ thể, sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về đối tượng, hình thức và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, loại hình dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà ở xã hội; đất để xây dựng nhà ở xã hội; lựa chọn và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
Đồng thời, bổ sung thêm các quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư; thời điểm thẩm định giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; trách nhiệm của Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương. Bổ sung mới các quy định về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang...