Trái ngược với diễn biến tuần trước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại trong tuần này khi lực mua bắt đầu xuất hiện lại trên thị trường.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan trong tuần này có dấu hiệu khởi sắc trở lại khi lực mua quay lại trên thị trường.
Vào cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam hiện được chào bán ở mức 485 – 495 USD/tấn, không đổi so với tuần trước nhưng vẫn đang trong vùng giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 2,89 triệu tấn gạo với tổng trị giá đạt 1,52 tỷ USD, tăng 41% về lượng và tăng 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,04 triệu tấn gạo, thu về 545,85 triệu USD.
Một thương nhân xuất khẩu gạo cho biết hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ khi các nhà xuất khẩu đẩy mạnh mua hàng để hoàn thành các hợp đồng đã ký trước đó.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan trong tuần này đạt 498 - 500 USD/tấn, tăng đáng kể so với mức giá 485 USD/tấn trong tuần trước và chạm mức cao nhất trong gần 4 tháng trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu về gạo của Thái Lan đã tăng trở lại và đồng Baht Thái tăng giá.
Điều này trái ngược với diễn biến thị trường trong tuần trước, khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam đều đồng loạt chịu áp lực giảm nhẹ do lực mua tạm thời hạ nhiệt. Một số khách hàng giãn giao dịch nhằm đánh giá xem giá gạo có thể điều chỉnh xuống đến mức nào sau giai đoạn tăng giá liên tục.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ loại 5% tấm xuất khẩu của nước này hiện được chào giá tại mức 376 – 380 USD.tấn, không đổi so với một tuần trước và đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Đây là tuần thứ tư liên tiếp giá gạo xuất khẩu Ấn Độ giảm và đi ngang.
Một thương nhân xuất khẩu gạo tại bang Kakinada (Ấn Độ) cho biết nhu cầu đối với gạo Ấn Độ trên thị trường đang ở mức yếu cùng với đó là nguồn cung từ vụ Đông của nước này đang bị chậm lại do mưa không diễn ra kịp trong vài tuần gần đây là những nguyên nhân chính khiến gạo Ấn Độ mất giá.
Ấn Độ hiện vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu lúa gạo nghiêm ngặt nhằm ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa sau khi nước này trải qua các đợt hạn hán nghiêm trọng trong năm 2022, khiến sản lượng lúa gạo của niên vụ trước suy giảm đáng kể.
Giới phân tích nhận định sản lượng gạo toàn khu vực châu Á trong năm nay sẽ tăng hơn so với năm ngoái do giá gạo xuất khẩu cao cùng với việc giá phân bón giảm, nguồn cung phân bón được cải thiện rõ rệt sẽ thúc đẩy nông dân mở rộng canh tác hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo hoạt động canh tác lúa gạo tại châu Á vẫn phụ thuộc lớn vào diễn biến thời tiết những tháng tới đây khi hiện tương El Nino được dự báo sẽ có xác suất cao xuất hiện. Hiện tượng El Nino sẽ gây khô hạn cho phần lớn khu vực châu Á.
Tại Bangladesh, Bộ Nông nghiệp nước này đã khuyến cáo nông dân cần nhanh chóng thu hoạch 80% diện tích lúa và các cây trồng khác để hạn chế thiệt hại do cơn bão Mocha dự kiến đổ bộ trong cuối tuần này.
Giá dầu thô giảm tuần thứ ba liên tiếp, Hoa Kỳ bế tắc trong khủng hoảng trần nợ công, Trung Quốc đối mặt nguy cơ giảm phát Tường Vy