Moody's lo ngại khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản gây tổn hại đến chất lượng tài sản của các ngân hàng có thị phần lớn ở lĩnh vực này.
Moody's mới đây đã cập nhật xếp hạng tín nhiệm của 4 ngân hàng tại Việt Nam là Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
Theo đó, Moody's đã xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của SeABank, VIB, OCB và TPBank ở mức B1.
Đồng thời, Moody's đã thay đổi triển vọng xếp hạng của VIB, OCB và TPBank từ ổn định xuống tiêu cực, trong khi triển vọng của SeABank vẫn ở mức ổn định.
Bản xếp hạng này cũng cho thấy quan điểm của Moody's về việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiêu cực gây ảnh hưởng trực tiếp tới kỳ vọng tăng trưởng của các ngân hàng.
Moody's lo ngại khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đang gây tổn hại đến chất lượng tài sản của các ngân hàng có thị phần lớn ở lĩnh vực này, khi mà các khoản vay thế chấp không thể thanh toán kéo theo sự gia tăng đột biến các khoản nợ xấu của các ngân hàng bán lẻ trên.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay giảm và chi phí tín dụng cao hơn dự kiến sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng sinh lời của các ngân hàng này.
Ngoài ra, việc giữ nguyên mức xếp hạng nhưng thay đổi triển vọng sang tiêu cực cũng cho thấy mối lo ngại của Moody's rằng sự suy giảm chất lượng tài sản sẽ làm tác động tiêu cực tới mức an toàn vốn và lợi nhuận đạt được.
Tính đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 3 ngân hàng đều tăng so với cuối năm 2022, do sự gia tăng các khoản nợ quá hạn từ mảng bán lẻ với khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thêm nữa, các ngân hàng cũng có tỷ trọng dư nợ tín dụng cao đến từ các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng vốn đang chịu nhiều ảnh hưởng từ vấn đề thanh khoản, qua đó gây thêm nhiều quan ngại về chất lượng tài sản hiện có.
Moody's đánh giá mức độ an toàn vốn của các ngân hàng này sẽ gặp khó khăn trong 12 đến 18 tháng tới do hệ số hoàn vốn nội bộ suy giảm. Tỷ lệ vốn trên tài sản rủi ro (TCE) của VIB và TPBank đã được điều chỉnh giảm lần lượt xuống 10,5% và 10% tính đến cuối năm tháng 6, từ mức hơn 11% cuối năm 2022 do trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Trong khi đó, mức độ an toàn vốn của OCB đã được cải thiện với tỷ lệ TCE là 11,6% tính đến tháng 6 năm 2023 so với 11,2% cuối năm 2022, được hỗ trợ bởi lợi nhuận đạt trên mức trung bình ngành.
Moody's cũng dự đoán khả năng sinh lời của ba ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong 12 đến 18 tháng tới do chi phí tín dụng cao hơn và biên lãi ròng thấp hơn do lãi suất giảm.
Sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ thị trường 1 và tăng trưởng tín dụng thấp cũng gây ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, đặc biệt vào thời điểm nền kinh tế vẫn còn khó khăn.
Trong khi đó, việc xếp hạng SeABank với triển vọng ổn định phản ánh kỳ vọng của Moody's rằng mức độ an toàn vốn cao và dần được cải thiện của ngân hàng này sẽ giúp bù đắp rủi ro về chất lượng tài sản.
Kế hoạch huy động vốn mới từ cổ đông hiện hữu trong vòng 12 tháng tới của SeABank và việc giữ lại nguồn lợi nhuận bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp cải thiện mức độ an toàn vốn mặc dù khả năng tạo vốn nội bộ suy giảm.
Tỷ lệ TCE của SeABank là 12,9% tính đến tháng 6 năm 2023, thuộc hàng cao nhất trong số các công ty cùng ngành được Moody's xếp hạng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tài sản lưu động của ngân hàng này bao gồm tiền mặt, giấy tờ có giá chỉ chiếm 9% tổng tài sản tính đến tháng 6/2023.
Ngoài ra, theo Moody’s, việc nâng xếp hạng của SeABank khó có thể xảy ra trong thời gian tới, do động lực kinh tế yếu hơn ở Việt Nam và căng thẳng tiếp tục trong lĩnh vực bất động sản.
Ngược lại, với triển vọng tiêu cực, việc nâng xếp hạng của các ngân hàng khó có thể xảy ra trong thời gian tới. Dù vậy, Moody's có thể điều chỉnh triển vọng thành ổn định nếu chất lượng tài sản, lệ nợ xấu và khả năng sinh lời của ngân hàng được cải thiện.
Bên cạnh đó, Moody's sẽ hạ xếp hạng BCA của 3 ngân hàng này nếu chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm, dẫn đến chi phí tín dụng cao hơn và tỷ suất sinh lời trên tài sản hữu hình hoặc nếu tỷ lệ TCE của ngân hàng tiếp tục suy giảm.
Ngoài ra, cầu tín dụng suy yếu cũng sẽ có tác động tiêu cực đối với xếp hạng BCA của các ngân hàng này.
Đồng thời, Moody's cũng nhận định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có những động thái hỗ trợ tích cực dành cho các ngân hàng. Do vậy, tổ chức này có thể sẽ hạ xếp hạng tiền gửi và nhà phát hành nếu Moody's đánh giá rằng sự hỗ trợ của chính phủ dành cho các ngân hàng này suy yếu.