Nasdaq dẫn đầu đà phục hồi ở Phố Wall

Chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức cao hơn vào 4/10 khi dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy bảng lương tư nhân của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 9…

Chứng khoán Mỹ: Kết thúc phiên 4/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 127,17 điểm (+0,39%) lên 33.129,55 điểm, S&P 500 thêm 34,3 điểm (+0,81%) thành 4.263,75 điểm và Nasdaq Composite tăng 176,54 điểm (+1,35%) ở mức 13.236,01 điểm.

Tiêu dùng không thiết yếu có mức tăng cao nhất (+2%) trong số các lĩnh vực thuộc S&P 500, tiếp theo là dịch vụ truyền thông và công nghệ, khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm khỏi mức cao nhất trong 16 năm.

Lĩnh vực công nghệ cũng có tín hiệu phục hồi trở lại, trong đó Alphabet Inc và Microsoft Corporation dẫn đến đà tăng giá. Apple Inc đóng cửa cao hơn gần 1% mặc dù KeyBanc đã hạ cấp nhà sản xuất iPhone từ tăng tỷ trọng (overweight) xuống tỷ trọng đều (weight).

Intel ghi nhận sắc xanh trong ngày sau khi công ty công bố kế hoạch chi tiết nhằm tách hoạt động kinh doanh chip lập trình thành một thực thể độc lập bắt đầu từ ngày 1/1/2024, mở đường cho đợt phát hành IPO mới trong 2 đến 3 năm tới.

Ford Motor gần như không thay đổi ngay cả khi hãng công bố doanh số bán ô tô tại Mỹ tăng gần 8% trong quý 3.

Cổ phiếu năng lượng không góp mặt trong đợt phục hồi của thị trường do giá dầu giảm hơn 5% sau khi tồn kho xăng tăng vọt và các bộ trưởng OPEC+ quyết định giữ nguyên sản lượng.

Marathon Oil, Devon Energy Corporation và Schlumberger NV là một trong những mã giảm mạnh nhất trong ngày.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ đạt tổng cộng 10,50 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,63 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, số lượng biên chế tư nhân chỉ tăng 89.000 trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với mức 180.000 trong tháng 8. Con số đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 1/2021, theo một báo cáo của ADP và Moody's Analytics.

Điều này cũng cho thấy thị trường lao động đang nới lỏng, trái ngược với dữ liệu công bố hôm 3/10 cho thấy nhu cầu lao động tăng bất ngờ.

Trong khi đó, hoạt động dịch vụ của Mỹ đã phần nào chững lại trong tháng 9, làm tăng thêm hy vọng rằng việc Fed tăng lãi suất trong thời gian dài đang bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ, vốn vẫn là động lực chính gây ra lạm phát.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm vào ngày 6/10 trước khi chuyển sự tập trung vào kết quả kinh doanh quý 3 của các công ty, dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng. Theo dữ liệu của LSEG, thu nhập của các công ty S&P 500 dự kiến sẽ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 5 USD vào phiên 4/10 do nhu cầu nhiên liệu sụt giảm và bức tranh kinh tế vĩ mô ảm đạm.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 5,11, tương đương 5,6%, xuống 85,81 USD/thùng trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 5,01 USD, tương đương 5,6%, xuống 84,22 USD/thùng. Ở mức thấp nhất trong phiên, cả hai đều mất hơn 5 USD.

Giá dầu sưởi và xăng cũng giảm hơn 5%. Dầu thô đã mất khoảng 10 USD kể từ phiên điều chỉnh tuần trước.

Ông Bob Yawger, giám đốc bộ phận năng lượng tại Mizuho, cho biết một trong những lý do nhu cầu sụt giảm mạnh có thể là bởi những trận mưa xối xả gây lũ lụt ở New York và cơn bão hậu nhiệt đới Ophelia giáng xuống vùng Đông Bắc nước Mỹ. Theo các nhà phân tích hàng hóa tại JP Morgan, theo mùa, tiêu thụ xăng của Mỹ ở đang ở mức thấp nhất trong 22 năm.

Bên cạnh đó, thông tin kinh tế mới cũng gây áp lực lên giá dầu.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.