Ngân hàng Nhà nước đề xuất lãi suất 0% cho sự cố rút tiền hàng loạt

Ngân hàng Nhà nước cho rằng để ứng phó với việc rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng như được vay đặc biệt tại các ngân hàng với lãi suất 0%...

Lãi suất

Đó là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng ký tờ trình gửi Quốc hội.

Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về trường hợp kiểm soát đặc biệt cùng với việc quy định bổ sung trường hợp quyết định không đặt vào kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước quyết định áp dụng biện pháp can thiệp sớm (Điều 144).

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt (Điều 149). Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ không bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm thiếu dự trữ bắt buộc và không tuân thủ tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định trong giai đoạn bị rút tiền hàng loạt. Cùng với đó, được vay đặc biệt Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức tín dụng khác.

Riêng với khoản vay đặc biệt để tổ chức tín dụng giải quyết, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt, dự thảo quy định lãi suất cho vay là 0%/năm, với thời hạn như cho vay đặc biệt khác (Điều 151).

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước bổ sung quy định về các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt (Điều 153) cũng như quy định tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt được áp dụng các biện pháp hỗ trợ cụ thể.

Ngoài ra, dự thảo lần này đã thiết kế các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng như: Tăng cường các biện pháp thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, kịp thời phát hiện và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.

Các hoạt động bao gồm cả quản lý, phê duyệt nhân sự lãnh đạo của các ngân hàng thương mại cổ phần Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung dự thảo luật theo hướng điều chỉnh quy định về hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng, quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng cho rõ ràng, phù hợp.

Ngoài ra, nhằm hạn chế sở hữu chéo, sân sau và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông, Dự thảo quy định, cá nhân không sở hữu quá 3% vốn điều lệ (hiện nay là 5%).

Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện là 15%). Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% (giảm 5% so với quy định hiện nay) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một ngân hàng và người có liên quan được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ của nhà băng khác.

Dư nợ cấp tín dụng tối đa với một khách hàng cũng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tối đa 15% vốn tự có (giảm so với quy định là 25%).

Theo dự thảo, Thủ tướng sẽ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn vay trong trường hợp đặc biệt khi khả năng hợp vốn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng đủ.

Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, dự thảo luật hóa cụ thể quy định tại Nghị quyết 42 nhưng bổ sung quy định về mua, bán nợ xấu. Theo đó, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hoạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của ngân hàng; được thỏa thuận với ngân hàng để phân chia phần giá trị còn lại (nếu có) của số tiền thu hồi từ khoản nợ xấu, sau khi trừ giá mua, các chi phí xử lý.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.